Chiến tranh thương mại sẽ lan tới Nhật Bản và EU?

Khả Hân| 25/04/2019 09:14

Trong khi công chúng chưa kịp mừng với kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại có thể sớm được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc thì nỗi lo về những cuộc chiến tranh thương mại mới do Tổng thống Donald Trump chủ động kích hoạt lại phủ bóng lên các thị trường gần đây

Chiến tranh thương mại sẽ lan tới Nhật Bản và EU?

Không có ngoại lệ với đồng minh 

Truyền thông nhiều nước mới đây đưa tin các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục có các cuộc đàm phán thương mại vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, trong nỗ lực hoàn tất các điều khoản cuối cùng nhằm tiến tới tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2019.

Như vậy, sau gần một năm Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và bị Trung Quốc "phản đòn", khiến thị trường tài chính toàn cầu lẫn nền kinh tế hai nước gặp không ít khó khăn, thì dường như giới quan sát tin rằng cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này có khả năng sắp kết thúc về mặt lý thuyết.

Được biết địa điểm dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là Nhật Bản - nơi Tổng thống Trump viếng thăm trong tháng 5/2019 để gặp tân hoàng đế Naruhito. Trớ trêu thay, Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn tiếp theo có thể rơi vào "tầm ngắm" thương chiến do ông Trump phát động.

Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với Trump ngay từ khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ, cũng như cố gắng tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng dường như khó tránh khỏi, bất kể nước này là đồng minh thân cận lâu đời với Hoa Kỳ. 

Cần nhớ rằng Hàn Quốc - một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại châu Á, vào tháng 9/2018 cũng đã phải chấp nhận ký lại hiệp định thương mại với Mỹ theo tên gọi mới là USKTA, sửa đổi từ KORUS FTA mà hai bên đã ký từ thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump lên nắm quyền đã yêu cầu phải thương lượng lại nhằm mang về nhiều lợi ích hơn cho người Mỹ.

Hay như hai đồng minh tại Bắc Mỹ của Hoa Kỳ là Canada và Mexico, sau nhiều lần phản ứng quyết liệt, cuối cùng cũng phải ngồi vào bàn đàm phán để thương lượng sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn đã tồn tại 24 năm, và ký FTA mới UMSCA vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Nhật Bản, EU là mục tiêu tiếp theo?

Chính vì vậy, Nhật Bản khó có khả năng tránh ký hiệp định thương mại mới với Mỹ, nhưng không có nghĩa là nước này sẽ chấp nhận nhượng bộ, khi chính phủ của ông Abe đã hạ quyết tâm không trao cho Mỹ một thỏa thuận thương mại song phương tốt hơn những thỏa thuận đa phương mà Tokyo đã ký với châu Âu và các nước ở vành đai Thái Bình Dương.

 Không chỉ riêng Nhật Bản, EU cũng đang phải đau đầu xử lý những tranh chấp thương mại với phía Hoa Kỳ. Cách nay hai tuần, chính quyền Trump đã đề xuất áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa của EU, như là một biện pháp nhằm trừng phạt việc EU tài trợ bất hợp pháp cho hãng máy bay Airbus để giành lợi thế trong kinh doanh máy bay trên toàn cầu, dù chính Mỹ cũng có những chính sách hỗ trợ riêng cho hãng Boeing

Mục tiêu của hai bên hiện nay cũng có nhiều khác biệt, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe cố hết sức để tránh việc Tổng thống Donald Trump áp thuế quan hoặc hạn ngạch lên xe hơi nhập khẩu từ Nhật, thì ông Trump lại muốn Nhật mở cửa cho nông sản Mỹ và giảm bớt thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật từ 60 tỷ USD mỗi năm hiện nay.

Cũng cần biết rằng, chỉ sau khi ông Trump áp thuế quan trừng phạt lên thép và nhôm nhập khẩu và tiếp đó đe dọa áp thuế quan lên tới 25% đối với xe hơi nhập khẩu vào Mỹ, thì ông Abe mới chấp nhận đàm phán thương mại với Mỹ. Trước đó, vào tháng 3, ông Trump từng tự tin phát biểu trước báo giới rằng "Nhật Bản sẽ đàm phán. Họ đã không muốn đàm phán trong suốt nhiều năm, nhưng giờ họ sẽ đàm phán. Đó là nhờ thuế quan".

Và đến tháng 5 tới, ông Trump sẽ phải ra quyết định có áp thuế lên xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản hay không. Về phần mình, Nhật Bản cũng đã nhanh chóng ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), như là những đối tác thương mại đối trọng lại sức ảnh hưởng quá lớn từ thị trường Hoa Kỳ.

Không chỉ riêng gì Nhật Bản, EU cũng đang phải đau đầu xử lý những tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ. Cách nay hai tuần, chính quyền Trump đã đề xuất áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa của EU, như là một biện pháp nhằm trừng phạt việc EU tài trợ bất hợp pháp cho hãng máy bay Airbus để giành lợi thế trong kinh doanh máy bay trên toàn cầu, dù chính Mỹ cũng có những chính sách hỗ trợ riêng cho hãng Boeing. Sau lời đe dọa áp thuế của Mỹ, ngày 12/4, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ euro (22,6 tỷ USD) có thể bị áp thuế.

Năm ngoái, Mỹ đã tăng thuế đối với các loại thép và nhôm nhập khẩu từ các đồng minh quan trọng, bao gồm EU, đồng thời đe dọa áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ khu vực này, trong khi EU đã áp dụng mức thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 2,8 tỷ euro của Mỹ đối với rượu whisky, xe máy, nước cam... 

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang xảy ra, ngày 16/4 các nước EU đã khởi động đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, sau khi đã bỏ phiếu phê chuẩn các nhiệm vụ đàm phán do EC đưa ra với đa số phiếu đồng ý. Như vậy, sau Trung Quốc, đến lượt Nhật và EU sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới theo như mong muốn của ông Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh thương mại sẽ lan tới Nhật Bản và EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO