"Cái gai" Lâu Diệp

MINH ĐỨC| 27/02/2014 00:15

Tại Liên hoan Phim (LHP) Berlin lần thứ 64 vừa kết thúc ngày 18/2, bộ phim điện ảnh thứ tám trong sự nghiệp đầy biến động của đạo diễn Lâu Diệp bất ngờ giành được giải thưởng về hình ảnh...

Tại Liên hoan Phim (LHP) Berlin lần thứ 64 vừa kết thúc ngày 18/ 2, bộ phim điện ảnh thứ tám trong sự nghiệp đầy biến động của đạo diễn Lâu Diệp bất ngờ giành được giải thưởng về hình ảnh, sau đúng tám lần chu du tại ba LHP quốc tế lớn nhất thế giới, tính cả Cannes và Venice. Thế nhưng ở Trung Quốc, Lâu Diệp lại là cái gai trong mắt giới làm nghề...

Đọc E-paper

>Giấc mộng Chinawood
>Chinawood

Thuộc thế hệ đạo diễn thứ sáu, Lâu Diệp xuất thân từ trường lớp nhưng sau khi tốt nghiệp lại quay bộ phim đầu tay bằng máy cầm tay - Weekend Lover và từ đó, ông bị phong cách làm phim độc lập cuốn theo. Vì va chạm những đề tài hiểm hóc, sự thật trần trụi, những phim của Lâu Diệp không được ưu tiên cấp vốn sản xuất lẫn phát hành.

Những bi kịch mà ông mổ xẻ trong các phim của mình đều mang tư tưởng tích cực, nhằm đẩy lùi nỗi thống khổ của người dân và giải quyết vấn đề một cách nghệ sỹ. Bộ phim truyện thứ hai Suzhou River (tạm dịch: Sông Tô Châu) thể hiện quan điểm khá rõ ràng về nhân sinh quan của Lâu Diệp, đồng thời nhấn mạnh rất rõ hướng đi độc đáo mang tính thể nghiệm cá nhân.

Tuy nhiên, đây cũng là khởi điểm cho mọi bất lợi về quy trình làm ra một tác phẩm. Bộ phim bị cấm trình chiếu tại Trung Quốc vì chưa được xét duyệt, dù nó chu du qua nhiều LHP và giành một số giải thưởng.

Bốn phim sau đó của ông đều gặp khó vì kiểm duyệt nhưng vẫn có mặt tại các LHP bên ngoài lãnh thổ. Đỉnh điểm của việc tự do sáng tác là Summer Palace (tạm dịch: Di Hòa Viên) ra đời trong bão táp, phong ba.

Bộ phim dài hơn hai giờ đồng hồ, ngập tràn những cảnh nóng bỏng trên nền bức tranh ảm đảm xoay quanh quảng trường Thiên An Môn. Biết chắc phim bị cắt nhiều cảnh, Lâu Diệp đưa thẳng nó đến Cannes để rồi sau đó lãnh đủ "án treo" ngưng làm phim trong năm năm.

Spring Fever (tạm dịch: Xuân Phong) có lẽ là một khởi đầu cho bản ngã sáng tác của Lâu Diệp. Đây là bộ phim phản pháo lại cách hành xử của ngành quản lý văn hoá tại Trung Quốc.

Ông cùng một số diễn viên chuyên lẫn không chuyên làm việc trong một môi trường khép kín, kể cả khi lệnh cấm hành nghề vẫn còn hiệu lực. Đây cũng là phim mà chính ông cũng không màng quan tâm đến trang phục, bối cảnh, quay phim... và kể cả tài chính.

Có một sự chân thật hệt như phim tài liệu được ghi lại, và nó giờ đây đã trở thành thương hiệu của họ Lâu. Giai đoạn này trở đi, ông chú tâm tuyệt đối vào kịch bản và cách dàn dựng, và điều này mang lại cho ông giải thưởng kịch bản tại LHP Cannes.

Mystery (tạm dịch: Uẩn khúc) đề cập tới những góc tối của xã hội Trung Quốc như tệ tham nhũng trong giới quan chức và cách ứng xử "trên tiền" của giới nhà giàu mới nổi, đồng thời cũng làm nổi bật nạn trọng nam khinh nữ và các thành kiến cũ xưa tại quê nhà. Mặc dù bị đánh giá là hơi nông trong cách kết thúc vấn đề, dư chấn của bộ phim này giúp Lâu Diệp lần đầu tiên ghi điểm tại Giải thưởng Điện ảnh Châu Á lớn nhất khu vực.

Blind Massage

Quay trở lại với giải thưởng đặc biệt thiên về kỹ thuật tại LHP Berlin, có thể thấy dường như các nhà phê bình phim đang nỗ lực dành nhiều tình cảm hơn cho "đứa con vị nghệ thuật" Lâu Diệp. Blind Massage (tạm dịch: Mát-xa người mù) giữ phong cách đặc trưng của ông, các cú máy chao đảo ngày một dữ dội, hình ảnh không xử lý màu sắc và chủ yếu đặc tả cận cảnh.

Lâu Diệp tiếp tục đi vào việc thức tỉnh cái tôi bản năng của con người trong xã hội hiện đại, đi tìm cách lý giải riêng cho các vấn đề của lịch sử, dân tộc... Các nhân vật trong phim ông đều hành động rất thật, với sự tò mò về tương lai thoáng chút cay đắng của hiện tại.

Kể cũng phải, làm ra một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị cốt lõi là nhân văn và tinh thần, thế nhưng con đường đến với chính khán giả trong nước lại lạc loài, chưa dám nghĩ đến chuyện thu hồi vốn từ việc làm phim để có kinh phí đi tiếp hành trình gian khổ.

Năm 2011, Lâu Diệp tìm được nguồn vốn để làm bộ phim tình cảm trai gái thuần túy - Love and Bruises được quay ở Pháp với diễn viên đang lên - Tahar Rahim, nhưng rồi lại quay trở về quê hương phát triển các dự án gai góc khác như chúng ta đã thấy. Có lẽ chỉ một kẻ yêu nước và yêu nghề thì mới làm được điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cái gai" Lâu Diệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO