Tôi là người luôn bảo vệ quan điểm của mình

KIM HOA| 07/07/2009 01:25

Một trong những chức năng chính của Công ty Link World Unlimited International Event là tư vấn đầu tư quốc tế với định hướng “kết nối toàn cầu”. Anna Nguyễn và công ty của chị đã làm được nhiều việc tưởng như đó chỉ là giấc mơ của cô bé Lọ Lem.

Tôi là người luôn bảo vệ quan điểm của mình

Một trong những chức năng chính của Công ty Link World Unlimited International Event là tư vấn đầu tư quốc tế với định hướng “kết nối toàn cầu”. Anna Nguyễn và công ty của chị đã làm được nhiều việc tưởng như đó chỉ là giấc mơ của cô bé Lọ Lem. Tấm bản đồ thế giới, với Anna, giờ đây không chỉ bó hẹp trong những hình vẽ và màu sắc cố định, mà nó đang được mở ra trong một môi trường khai thác đa văn hóa, đa sắc tộc, đa lĩnh vực.

Khởi nghiệp

* Chị có cái tên gây tò mò. Xin hỏi đó có phải là tên khai sinh?

- Cha mẹ đặt tên cho tôi là Nguyễn Thị Thư. Lấy chồng người nước ngoài, tôi trở thành Anna Dixon Nguyễn - họ vẫn giữ nguyên, trong đó có chữ An vì mong muốn cuộc sống luôn bình an.

* Ước mơ thuở thiếu thời của cô bé Nguyễn Thị Thư vùng Bỉm Sơn, Thanh Hóa đó có giống với những gì mà Anna Nguyễn đã mong muốn và thực hiện sau này không?

- Nhà tôi có năm chị em. Từ khi còn rất bé, sống trong cảnh bao cấp, là con của một gia đình có cha mẹ làm công chức nhà nước, tôi đã rất thấm thía sự nghèo khổ. Lúc đó, tôi đã mơ ước làm gì đó để thoát khỏi cảnh nghèo, cho cha mẹ và những người thân của mình đỡ khổ. Và tôi đã trở thành một người làm kinh doanh. Đó là một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của cá nhân tôi. Sự thay đổi của một người trong gia đình đã dẫn đến sự thay đổi của một gia đình.

* Hình ảnh nào trong quá khứ ám ảnh chị nhất?

- Cạnh nhà tôi có một cô văn công hát hay nổi tiếng, tên là Lực, nhưng lâu lâu vác rá sang nhà tôi vay gạo, hoặc xin chút nước mắm, mì chính...Khi thấy tôi làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cô ấy đã can ngăn: “Cháu hãy làm một nghề gì để đừng phải vác rá đi vay gạo như cô!”. Tôi đã nghe lời cô ấy cũng như luôn nhớ câu chuyện “cái rá”. Sau đó tôi thi vào lớp bản đồ của ngành địa chất, học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội bây giờ).

* Thời sinh viên, chị đã sớm tìm cách thoát ly khỏi sự nghèo khổ ra sao?

- Tôi học ở lớp nửa thời gian, phần còn lại học tiếng Anh và về sau thì đi dạy tiếng Anh tại nhiều trung tâm ngoại ngữ để có thêm tiền chi tiêu hằng ngày. Tôi đạp xe đạp đi long vòng, hễ thấy cơ quan nào trưng biển mở lớp dạy tiếng Anh thì vào gõ cửa.

- Chưa tốt nghiệp nhưng tôi đã làm việc ở một số công ty nước ngoài, như làm cho một tập đoàn nổi tiếng của Hàn Quốc về lĩnh vực xây dựng và cung cấp thiết bị xây dựng. Năm 1994, khi đang học năm thứ 4, tôi làm việc cho một dự án về môi trường của Liên Hiệp Quốc, chấp nhận đi vào các vùng xa xôi mà người thành phố chê. Lương tháng lúc đó của tôi đã là 120 ÚSD, khá cao so với mặt bằng chung.

* Ý nghĩ nào đã thôi thúc một cách thường trực cô gái ngồi trên xe đạp ấy?

- “Mình sẽ thành đạt. Mình sẽ làm được những gì mà người khác đã làm được hoặc chưa làm được!”

Doanh nhân là phải đi đầu

* Năm 1998, chị đã có khách hàng là công ty nước ngoài thuê tư vấn?

- Vâng, sau bốn năm ra trường, tôi đã làm tư vấn với tư cách cá nhân cho một tập đoàn dầu mỏ của Singapore.

Và đồng nghiệp

* Làm thế nào để họ tin và trả tiền cho sự tư vấn của chị - một cô gái xuất thân từ “tỉnh lẻ”, khi đó còn trẻ lắm, gương mặt lẫn kinh nghiệm còn rất non nớt?

- Thái Lan có một cô mới 25 tuổi, làm tư vấn cho Tập đoàn IBM, mua lại một số công ty của ông Thaksin tổng trị giá tới 1,5 tỷ USD. Cô ấy đáng ngưỡng mộ hơn tôi nhiều. Tôi đã làm được gì mấy lúc đó đâu...

* Ra nước ngoài có điều kiện nhìn lại, chị thấy đội ngũ doanh nhân (DN) trong nước ra sao?

- Tôi chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với DN trong nước, vì công ty của tôi chủ yếu tư vấn cho các đối tác nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam. Để nhận xét, tôi không muốn vơ đũa cả nắm, nhưng quả thật là còn có rất nhiều người có cách kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì” và đặc biệt là sự ngự trị của tâm lý bầy đàn trong kinh doanh.

-  Nhiều DN rất thành đạt trong nước, rất cần cù, chịu khó, nhưng khi ra nước ngoài làm ăn thì những phẩm chất đó chưa đủ, vì ngoài tài năng và sự năng động, còn phải hòa nhập được về mặt văn hóa. Điều đó rất khó (vì văn hóa là những gì ăn sâu vào bản chất con người ta, không dễ thay đổi).

- Hơn nữa, nhiều người Việt mong muốn mang ngoại tệ về bằng con đường làm thuê, gia công, như người Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia đã làm trước đây. Bản thân tôi, từ mười năm trước, đã thuê người nước ngoài làm cho mình. Thuê họ và học cách làm của họ. Tôi luôn hướng tới mục tiêu mang phong cách kinh doanh của người Mỹ về châu Á, mang phong cách của người châu Á sang châu Âu!

* Quan niệm của chị về hai chữ “doanh nhân”?

Nhà sản xuất Việt Nam phải biết làm sao không mất khách trên sân nhà. Tại sao Metro vào Việt Nam, phân phối hàng Việt Nam, mà họ vẫn lãi mỗi ngày

- DN là phải đi đầu: nghĩ đầu tiên, làm đầu tiên. Việc hôm nay chớ để ngày mai. Ngoài tài năng và nỗ lực, phải đem kiến thức đi kinh doanh chứ không phải ngồi chờ may mắn. Họ không chỉ cần cơ hội, thời gian mà cần có cả đạo đức trong kinh doanh.

* Vậy, thế nào là tư cách của một DN?

- Là phải luôn tôn trọng đối thủ!

* Một DN được coi là thành đạt, theo chị?

- Thành đạt hay không là ở chính con người của họ chứ không phải ở những gì mỹ miều, hoành tráng bên ngoài. Đôi khi, sự sụp đổ của người này đồng thời là sự lên ngôi của người khác. Với tôi, để làm được điều gì lớn lao, trước hết phải biết làm cả những điều nhỏ bé nhất, đơn giản nhất! Tôi là một manager, song đến văn phòng vẫn lau rửa cốc chén, dọn phòng. Trưa vẫn đi chợ nấu ăn cho nhân viên. Nhiều người là lao công trong tòa nhà tôi làm việc đã không nghĩ tôi có thể làm thế.

* Trong bối cảnh hiện tại, chị có thể “tư vấn” điều gì cho đội ngũ DN Việt Nam?

- Một vấn đề về chiến lược phát triển. Nhà sản xuất Việt Nam phải biết làm sao không mất khách trên sân nhà. Tại sao Metro vào Việt Nam, phân phối hàng Việt Nam, mà họ vẫn lãi mỗi ngày. Để bắt đầu, đừng có chọn cái gì lãi mới làm, phải biết chấp nhận lỗ trước lãi sau. Đừng đổ lỗi cho ai hết, mà hãy chịu trách nhiệm mọi việc làm của mình!

Tại họp báo giới thiệu GS Tom Cannon do Công ty LUIE xúc tiến tổ chức

Mình phải cảm ơn mình

* Chị nghĩ sao về con đường “học vẽ bản đồ” nhưng lại thành công trong kinh doanh và tư vấn đầu tư của chính mình?

- Trong tay tôi, bằng cấp không có gì. Trong con mắt của cha mẹ tôi, từ bé tôi đã rất khác những đứa trẻ xung quanh. Tôi không bao giờ là bản copy của người khác. Tôi có cách tiếp cận riêng của mình và luôn chọn con đường ngắn nhất. Tiếp cận một mô hình tốt thì mình phải hiểu về nó, đầu tư công sức để từ đó phát triển cái của riêng mình.

* Và khi người ta có động lực, thì con đường đến đích sẽ ngắn hơn?

- Cuộc sống không có gì tự đến cả, tất cả đều do sự bươn chải, thậm chí phải trả giá mới có được. Để có ngày hôm nay, tôi đã học bạn bè, học đối tác, và phải trả giá rất nhiều từ long tin, sự phản bội, thành công trộn lẫn cả cay đắng, đổ vỡ. Nhìn lại, tôi thấy mình phải cảm ơn mình. Bây giờ nhiều bạn học của tôi đeo kính to đùng ngồi vẽ bản đồ.

- Còn tôi từ lúc sinh viên đã “tung tăng”. Thi tuyển vào các công ty thì trúng ngay vòng đầu vì người ta hỏi về văn hóa làng quê - là chốn mà mình lớn lên, đi ra từ đó, mình cónhững kiến thức về nó. Tôi chỉ nói điều mình nghĩ, tuyệt đối không dựa theo người khác. Người nước ngoài họ đánh giá cao điều đó. Vả lại, tôi vốn là người thích hùng biện.

* Xin lỗi, chị có nghĩ mình đã bị “Tây hóa”, không còn là cô Thư ở Bỉm Sơn nữa?

- Nhà tôi không có người giúp việc. Mọi việc nhà tự tay tôi làm. Thử hỏi như thế có phải là rất “phụ nữ Việt Nam” không?

* “Máu đỏ da vàng”. Điều đó có ý nghĩa gì với chị?

Tôi không chủ trương đi làm thuê, làm gia công cho nước ngoài. Mình có kiến thức, có công nghệ, vấn đề còn lại là dám đổi mới tư duy. Một CEO thực thụ là phải tính được mỗi năm sẽ mang lại cho công ty bao nhiêu đồng trên mỗi cổ phiếu...

- Không thiếu gì cách để bày tỏ lòng yêu nước. Tôi muốn cống hiến cho quê hương đất nước theo cách của mình. Chỉ biết rằng, từ lúc tôi sinh ra cho đến phút này, dù chồng người nước ngoài, nhà cửa ở nước ngoài, nhưng tôi không dứt khỏi Việt Nam được - vì nơi đó còn có cha mẹ, em út. Thành lập công ty ở Việt Nam lại có thêm những cộng sự gắn bó với mình, ràng buộc mình...

- Tháng 6 này, Công ty tôi chính thức công bố là nhà tổ chức cho sự kiện vị giáo sư người Anh nổi tiếng Tom Cannon sang Việt Nam diễn thuyết hai buổi tại Hà Nội và TP.HCM về đề tài “Tăng trưởng bền vững trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Vai trò của tri thức và tài năng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai”. Tôi muốn làm được một điều gì có ích cho DN trong nước.

* Mới trông, Anna rất dịu dàng, nhưng có lẽ chị là một phụ nữ có cá tính quyết liệt...

- Ồ, tôi đúng là người rất quyết liệt. Trong tranh luận, trong kinh doanh, tôi là người luôn bảo vệ quan điểm của mình. Tôi cho rằng làm kinh doanh rất cần có lửa - đó là sự đam mê, sự táo bạo. Tôi không chủ trương đi làm thuê, làm gia công cho nước ngoài mà mình phải là gì cao hơn. Mình có kiến thức, có công nghệ, vấn đề còn lại là dám đổi mới tư duy. Một CEO thực thụ là phải tính được mỗi năm sẽ mang lại cho công ty của mình bao nhiêu đồng trên mỗi cổ phiếu...

* Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi là người luôn bảo vệ quan điểm của mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO