Huyền thoại Cô Ba xà bông

P.V| 22/08/2019 05:23

Vì sao doanh nhân Trương Văn Bền chọn Xà bông Cô Ba (XBCB) để làm nên thương hiệu vào những năm đầu thế kỷ XX? Ông Trương Khắc Cẩn - Tổng giám đốc Công ty Trương Văn Bền và các con trong thập niên 1970, con trai ông Bền, cho biết: “Vào năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh lúc bấy giờ, ba tôi muốn hoạt động trong một ngành có tính cách phục vụ đại chúng. Có hai loại sản phẩm mà hầu như mọi người phải dùng: giấy và xà bông, thế là ba tôi chọn xà bông”.

Huyền thoại Cô Ba xà bông

Doanh nhân Trương Văn Bền mở cõi hàng Việt

Doanh nhân Trương Văn Bền (1883-1956) được sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, công việc làm ăn phát đạt. Về sau, ông còn lập nhà máy xay lúa, cộng tác với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Đông Dương khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng. Năm 31 tuổi, ông lập một đồn điền cao su nhỏ ở Thủ Đức, sau đó mở rộng kinh doanh bằng cách lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười... Gặt hái được nhiều thành công trên thương trường do ông Trương Văn Bền luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi, không bằng lòng với những gì mình đang có.

Ngay từ buổi đầu, Công ty Trương Văn Bền và các con (CTTVB) tọa lạc tại đường Kim Biên (Chợ Lớn). Ông Bền nấu xà bông trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông đã xây dựng hợp tác xã có xã viên là những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho. Bấy giờ, xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là XBCB) được sản xuất hình vuông, mỗi cục xà bông đều có in nổi hình đầu người phụ nữ. XBCB được bán khắp ba nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của Pháp đang thống lĩnh thị trường.

Trong thập niên 1930, XBCB chỉ mới phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa. Đến năm 1959, công ty thuê một đoàn võ thuật đi cổ động (PR) cho XBCB từ Sài Gòn ra đến tận Quảng Trị với ước muốn phân phối hàng chính hãng đến tận tay người tiêu dùng (không thông qua các đại lý). Không chỉ quảng cáo XBCB tại chợ, mà đoàn còn đi vào tận các lãng xã xa xôi để biểu diễn võ thuật và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, tiếng tăm XBCB ngày càng lan xa.

Ăn nên làm ra, xưởng dầu của CTTVB ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong các năm thuộc thập niên 1940-1950. Vào thời kỳ khó khăn do chiến tranh, CTTVB là công ty hàng đầu sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương. Trương Văn Bền là một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên kêu gọi người Việt Nam sử dụng hàng nội. Trên báo chí Việt Nam, từ khi xà bông nội địa của CTTVB sản xuất vào năm 1932, trong mục quảng cáo XBCB thường chạy tít: "Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam".

Hãy nghe doanh nhân Trương Văn Bền nói về “chiến lược PR”sản phẩm XBCB: “Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho thương hiệu XBCB. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua XBCB về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán. Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có XBCB bán không. Hễ có thì mua một hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không mua xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Làm riết rồi chủ tiệm cũng phải để ý, phải hỏi XBCB bán ở chỗ nào, thế là mua thử về bán. Tôi còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất XBCB, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu XBCB”.

Cô Ba xà bông là ai?

image1-1-jpeg-7236-1566462136.jpg

Cô Ba Thiệu được in hình trên tem Việt

Vì sao doanh nhân Trương Văn Bền chọn “Cô Ba” làm người mẫu quảng cáo thương hiệu XBCB? Đó là sự bày tỏ lòng tự hào dân tộc của ông Bền một cách kín đáo. Người phụ nữ búi tóc đẹp mặn mà nền nã luôn luôn xuất hiện trên sản phẩm XBCN của CTTVB là cô Ba Thiệu - người con gái Trà Vinh sắc nước hương trời đã đăng quang Miss Saigon hơn 150 năm trước.

Trước vẻ mỹ miều của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh trong trang phục áo tắm để đăng báo ở chính quốc nhưng cô không đồng ý. Ở Việt Nam, chân dung cô được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên con tem.

Là hoa hậu nhưng cô Ba sống bình dị, chân chất. Sau khi đoạt vương miện Miss Saigon, cô bỏ lại sau lưng ánh hào quang phù phiếm, không bị ảnh hưởng lối sống ngoại lai. Xuất thân từ gia đình gia giáo, cô Ba được dạy dỗ từ bé về truyền thống và văn hóa Việt Nam. Cô Ba cũng lấy chồng, lập gia đình như những phụ nữ bình thường khác.

Bi kịch gia đình cô Ba xảy ra khi mẹ cô nhan sắc mặn mòi bị tên biện lý người Pháp Jaboin ỷ thế tán tỉnh, chòng ghẹo. Thầy Thông Chánh, cha cô Ba, không chịu được cảnh đó nên đã rút súng bắn chết Jaboin.Sau đó, cha cô bị chính quyền Pháp xử tử. Cô Ba Thiệu cũng bị bắt giam rồi tự tử chết. Nhưng cuốn “Hỏi đáp về Sài Gòn - TP.HCM” của nhiều tác giả xuất bản năm 2006 lại cho rằng cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh. Người đẹp lừng lẫy của Sài Gòn xưa dù theo tài liệu nào cũng có một cái kết buồn thảm.

Trở lại chuyện duyên nợ của cô Ba Thiệu và thương hiệu XBCB, cô là "người mẫu" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt. XBCB đã đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp thời bấy giờ. Hành động “nữ nhi anh hùng” của cô Ba ít nhiều có ý nghĩa khơi dậy trong quần chúng tinh thần bất khuất dân tộc. Nếu ông Bạch Thái Bưởi lấy tên các anh hùng dân tộc đặt tên cho thuyền bè của mình thì việc ông Trương Văn Bền dùng tên cô Ba quảng bá cho sản phẩm cũng có chung một ý nghĩa. Đó là ý nghĩa khai thác tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người dân Việt trên thương trường những năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng là vũ khí sắc bén để cạnh tranh giữa hàng Việt và hàng Pháp lúc bấy giờ.

Cuộc hồi sinh bất thành 

XBCB cũng thăng trầm theo thời cuộc. Sau năm 1975, CTTVB trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995, nhà máy đổi tên thành Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông. Đây là kết quả của sự hợp tác, liên doanh giữa Bộ Công nghiệp nhẹ với Tập đoàn Procter & Gamble (P&G). P&G bị cạnh tranh khốc liệt bởi Unilever, theo thời gian, XBCB - thương hiệu vang bóng một thời của ông Trương Văn Bền và các con gần như bị lãng quên. XBCB không bị “khai tử” nhưng sống lay lắt và xuất hiện khiêm tốn trong một vài siêu thị.

Năm 2014, Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông quyết định hồi sinh XBCB. Thế nhưng, thương hiệu này vẫn vô cùng mờ nhạt giữa thị trường cạnh tranh gay gắt. Phương Đông tồn tại chủ yếu nhờ gia công cho đối thủ và cho thuê đất. Đến năm 2017, hy vọng XBCB lại được nhen nhóm khi có đại gia bất động sản tỏ ý muốn “hồi sinh” sản phẩm huyền thoại này. Đó là Công ty CP Đầu tư thương mại - bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR). Đầu năm 2019, lãnh đạo HAR chia sẻ, HAR vẫn chưa dám rót nhiều vốn cho XBCB vì không có nhiều vốn cho thị trường tiêu dùng nhanh.

Thực ra, cũng khó kỳ vọng vào HAR vì bản thân doanh nghiệp này vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Kết quả kinh doanh èo uột nên HAR bị nhà đầu tư quay lưng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAR giao dịch dưới mệnh giá từ rất lâu. Vào đầu tháng 5/2019, mức giá phổ biến của HAR là 4.000 đồng/CP. Khi ông chủ mới còn đang sống dở chết dở với nhiều dự án, thì XBCB hồi sinh bất thành là lẽ tất nhiên!

Thời của XBCB huyền thoại thật sự đã qua. Thương hiệu nào cũng chỉ có thể gắn với một giai đoạn lịch sử, xã hội nhất định. Vào những năm đầu thế kỷ XX, ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm thế giới chưa phát triển, các hóa phẩm và xà bông chưa “muôn hồng nghìn tía” như hiện nay, thì hương đồng cỏ nội XBCB giữ “ngôi hậu” là điều hợp lý. Ấy là chưa kể đến các phương tiện giao thông, thông tin sản phẩm nhanh chóng, hiện đại như hiện nay. Nếu thời ông Trương Văn Bền có hai nhà mua bán trực tuyến khủng Amazon và Alibaba như hiện nay thì điều gì sẽ xảy ra với XBCB? Còn phải nói!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huyền thoại Cô Ba xà bông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO