Doanh nhân Đặng Huy Trứ: Canh tân đất nước dựa vào dân, làm lợi cho dân (Kỳ 1)

Thanh An (tổng hợp)| 17/03/2023 07:00

Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, canh tân dựa vào dân và làm lợi cho dân với tư tưởng phát triển kinh tế, chống hối lộ, tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính chí công vô tư của quan lại. Ông là tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam và là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam.

Kỳ 1: Vị quan công chính liêm minh 

-4062-1678428669.jpg

Đặng Huy Trứ tự là Hoàng Trung, hiệu là Võng Tân và Tỉnh Trai, sinh ngày 16/5/1825 tại làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là con trai thứ ba của ông Đặng Văn Trọng và bà Trần Thị Minh. 

Gia đình Đặng Huy Trứ có nhiều người đỗ đạt và tham gia quan trường dưới triều Nguyễn. Thuở nhỏ, ông được đem quy y Tam bảo tại chùa Từ Hiếu, Huế, đến năm 12 tuổi mới được cha mẹ đón về ở cùng.

Năm 1843, Đặng Huy Trứ cùng cha đi thi hương và đỗ cử nhân khi mới 18 tuổi, trong khi cha ông chỉ đỗ tú tài. Sau khi đỗ cử nhân, ông được bác ruột là Đặng Văn Hòa, người giữ chức Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế, cho theo học với Thị lang Bộ Hình là TS. Trương Quốc Dụng để chuẩn bị cho con đường khoa cử sau này.

Năm 1844, Đặng Huy Trứ đi thi hội nhưng bị trượt, triều đình chọn ông vào học ở Quốc Tử Giám. Theo học Quốc Tử Giám được hai năm thì Đặng Huy Trứ trở về làng Thanh Lương mở lớp dạy học cho trẻ em quê nhà và tiếp tục trau dồi kinh sử chờ ngày triều đình mở kỳ thi hội tiếp theo. Năm 1847, Đặng Huy Trứ trở lại thi hội và đỗ tiến sĩ, được chọn vào thi đình. Tuy nhiên, do dùng chữ bất cẩn trong bài thi, bị quy tội phạm húy, ông bị cách cả học vị tiến sĩ lẫn cử nhân và bị phạt đánh 100 roi, đồng thời bị cấm thi trọn đời.

Sau khi bị triều đình cấm thi, Đặng Huy Trứ dành phần lớn thời gian mở lớp dạy học, viết sách và đã cho ra đời các tác phẩm Sách học vấn tân, Vũ kinh, Nhị thập tứ hiếu, Sĩ nông công thương tứ gia lạc. Thời gian này, ông kết bạn với nhiều sĩ phu Bắc Hà như Vũ Tá Trứ, Nguyễn Sĩ Phủ, Trương Bằng Hiên...

Trong thời gian hành nghề dạy học (từ năm 1846-1854), Đặng Huy Trứ đem hết tâm huyết và năng lực đào tạo những thế hệ học trò đủ kiến thức và nhân cách để ra làm quan giúp dân, giúp nước. Nhiều học trò của ông đã đỗ đạt trong các khoa thi do triều đình tổ chức. Tuy nhiên, do phạm húy trong kỳ thi đình trước đây, Đặng Huy Trứ vẫn chưa có chỗ đứng nơi chốn quan trường.

Năm 1855, được vua Tự Đức xóa tội, Đặng Huy Trứ tham dự khoa thi hội, đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan suốt 18 năm (1848-1866).

Thời điểm Đặng Huy Trứ dấn thân vào quan trường, tình hình xã hội Việt Nam đã có nhiều biến đổi lớn. Tháng 8/1856, chiến thuyền của Pháp bắn phá các đồn lũy ở cửa biển Sơn Trà. Tháng 10 năm đó, triều đình cử Đặng Huy Trứ đi kiểm tra tàu thuyền và binh lực ở Đà Nẵng. Ông viết bài thơ Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sư (Đi quân thứ Đà Nẵng, ghi lại), luận bàn việc “chủ chiến hay nghị hòa” với người Pháp.

Từ năm 1857-1863, Đặng Huy Trứ tiếp tục thăng tiến khi ông nhận nhiều chức vụ quan trọng như Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Thiên Trường (Nam Định), rồi trở về kinh đô Huế giữ chức Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử lĩnh chương ấn khoa binh. Đặng Huy Trứ được biết đến là vị quan công chính liêm minh, thương dân như con, căm ghét hối lộ và luôn giữ vững quan điểm “dân không chăm sóc chớ làm quan”.

Năm 1864, Đặng Huy Trứ được triều đình bổ chức Bố chính Quảng Nam. Khi nhậm chức, Đặng Huy Trứ dâng sớ về kinh đô, xin thay đổi những tri phủ, tri huyện bất tài và làm việc trì trệ, tổ chức thực hiện những biện pháp cứu đói, giải quyết hậu quả nạn hạn hán và lụt bão, khơi thông sông ngòi để làm thủy lợi và tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy. Ông đề xuất với triều đình lập kho tích trữ lương thực, cho phép thu thuế bằng hiện vật đối với thợ thủ công, cho phép người làm nghề dệt vải lĩnh trước tiền mua nguyên liệu và bán hàng cho nhà nước, kiến nghị thành lập nghĩa địa ở các địa phương để chôn cất người chết (từ đó các địa phương mới có lệ lập nghĩa địa). Triều đình đã chấp thuận và cho thực hiện phần lớn những kiến nghị của Đặng Huy Trứ.

Tháng 7/1865, triều đình Huế cử Đặng Huy Trứ cùng Chu Văn Khoa và Nguyễn Tăng Doãn bí mật sang Quảng Đông để tìm mua hàng hóa, vật dụng cho nhà vua, đồng thời kiểm tra tình hình đóng tàu hơi nước và tiếp nhận chiếc tàu sau khi hoàn thành để đưa về nước. Trong thời gian ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu và ghi chép tỉ mỉ phương pháp đóng tàu của người Tây Dương. Đồng thời, ông liên lạc với một kỹ sư người Anh là Withseller nhờ tìm mua vũ khí và đóng thêm tàu cho triều đình chống Pháp, nhưng không thành. Cũng trong thời gian ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ làm quen với nhiều học giả và nghệ sĩ Quảng Đông như Tô Lăng, Lương Huệ Tồn, La Nghiên Cù, Lý Thụy Nham, Khuất Á Phúc. Ông còn tìm hiểu tình hình người phương Tây ở Hương Cảng, đọc và tìm mua tân thư, dò mối mua vũ khí. Tháng 12/1865, ông lên thuyền trở về nước.

Tháng 5/1867, Đặng Huy Trứ được triều đình cử đi sứ nhà Thanh lần thứ hai. Ông đến Quảng Đông vào tháng 7 cùng năm nhưng bị ốm nặng phải dưỡng bệnh. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông cho người tìm cách liên lạc với những bạn cũ để nắm bắt tình hình và nhờ họ giúp đỡ tìm mua vũ khí theo yêu cầu của phái chủ chiến trong triều để chống Pháp. Ông đã mua được 239 khẩu pháo cùng đạn dược gửi về nước. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông viết và biên soạn nhiều tác phẩm như Từ thụ yếu quy, Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Nhị vị tập, Thanh trọc ngâm ngũ thập ngũ thủ và bài thơ Tứ giới (4 điều răn) để răn dạy con cháu. Sau gần một năm dưỡng bệnh, Đặng Huy Trứ đi Áo Môn, tiếp tục mua hàng hóa, sách vở gửi về nước theo các tàu buôn của người Hoa. 

Tháng 8/1868, Đặng Huy Trứ về nước nhưng không trở lại kinh đô Huế mà ở lại Hà Nội làm Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình chuẩn chuyên lo việc kinh tế, tài chính cho triều đình. Thời gian này, ông khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà. Đây là cửa hiệu nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam do người Việt điều hành kể từ khi người Pháp đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam. Nhân duyên khiến Đặng Huy Trứ kinh doanh loại hình này bắt nguồn từ chuyến đi sứ sang Trung Quốc năm 1865, lần đầu thấy một chiếc máy có thể chụp được ảnh đã làm cho ông mất ăn mất ngủ. Trong lần đi sứ đó, ông đã đưa về hai tấm ảnh phong cảnh Hương Cảng, trước khi đi ông đã hỏi rất kỹ cách chụp và in tráng ảnh vì ông ấp ủ mở một hiệu ảnh ở Việt Nam. Năm 1867, khi được triều đình cử đi sứ lần nữa, ông đã nhờ người quen ở Quảng Đông mua một chiếc máy ảnh để mang về.

Kỳ 2: Ông tổ nghề nhiếp ảnh mở nhiều hiệu buôn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Đặng Huy Trứ: Canh tân đất nước dựa vào dân, làm lợi cho dân (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO