CEO CMC TSSG Phạm Văn Trung: Chuyển đổi số là sự thích nghi của doanh nghiệp

Vân Ly| 30/12/2021 08:00

Ông Phạm Văn Trung – CEO CMC TSSG cho rằng, khả năng thích nghi nhanh hay chậm với sự biến đổi của môi trường sẽ quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp (DN).

CEO-CMCTSSG-bo-sung-6865-1640812536.jpg

* Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn, nhưng với ngành công nghệ thì năm 2021 lại chính là cơ hội? 

- Trong đại dịch sẽ có ngành bị ảnh hưởng, chẳng hạn như du lịch, vận chuyển… Riêng đối với ngành công nghệ thông tin (CNTT) thì có tác động 2 chiều tích cực và tiêu cực. Tác động tích cực đó là khi giãn cách xã hội (lockdown) thì phát sinh nhu cầu mới là làm việc từ xa. Từ đó dẫn đến nhu cầu kết nối và phương tiện, khách hàng cần giải pháp để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, ngành CNTT buộc phải thay đổi tốt hơn để phục vụ các nhu cầu xã hội. 

Trong khi đó, tác động tiêu cực là nếu khách hàng từng dự kiến đầu tư cho công nghệ thì khi dịch bệnh xuất hiện họ sẽ phòng thủ, việc triển khai bị trì hoãn. Hơn nữa, khi dịch xảy ra, ngành logistics bị ảnh hưởng, việc vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về bị ảnh hưởng kéo theo việc triển khai bị chậm trễ, đồng nghĩa với việc doanh thu và lợi nhuận bị giảm đi. Nhìn một cách khách quan thì tác động tích cực nhiều hơn tác động tiêu cực.

* Theo quan sát của ông, dịch Covid-19 giúp cho xu hướng công nghệ nào được ưa chuộng?

- Theo tôi, xu hướng công nghệ nổi bật nhất chính là công nghệ phục vụ cho khách hàng có thể làm việc từ xa, ví dụ như video conference. Thứ 2, là công nghệ giúp được khách hàng có thể ra quyết định từ xa, giao dịch từ xa như ký hợp tác, ký hợp đồng điện tử. Cùng với các công nghệ đó, xu hướng dễ nhận thấy nhất chính là chuyển đổi số (CĐS). Trong đó, CĐS tạm chia ra làm 3 cấp bậc: 

Thứ nhất, số hóa được dữ liệu. Thứ 2, số hóa được quy trình vận hành hoặc kinh doanh. Thứ 3, chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh thành một mô hình mới.

mg-3556-cmc-jpg-1640812376-5977-16408125

Xuất phát từ nhu cầu đối phó với đại dịch, việc CĐS càng trở nên cấp thiết. DN tồn tại được hay không chính là khả năng thích nghi nhanh hay chậm với sự biến đổi của môi trường. Thông thường khi nói CĐS, người ta có ví dụ sinh động như Uber hay Grab. Đây là những DN CĐS hoàn toàn nhưng với nhiều DN thì không thể tiến hành ngay lập tức.

Tại Việt Nam, ngành tài chính, ngân hàng đang là những ngành ứng dụng mạnh mẽ nhất việc CĐS. Nhiều công nghệ được triển khai như eKYC, cho phép thực hiện việc xác thực - định danh trực tuyến trở thành trào lưu. Thay vì đến ngân hàng, người dùng có thể mở tài khoản trực tuyến, thanh toán trực tuyến, giao dịch từ xa không tiếp xúc. 

* Những công nghệ này, DN Việt Nam đã làm chủ được đến đâu? Và tại CMC TSSG thì sao?

- Như đã trình bày ở trên, CĐS là xu hướng lớn. Xoay xung quanh là các công nghệ phục vụ cho xu hướng này như làm việc từ xa, giao dịch không tiếp xúc… CMC TSSG đã tiến hành số hóa quy trình nội bộ cách đây 10 năm, và với phần mềm quản lý CMIS do CMC TSSG sáng tạo ra CMC TSSG hoàn toàn kiểm soát toàn bộ quy trình kinh doanh, xây dựng các phân hệ và quy trình có liên quan theo mô hình vệ tinh xoay quanh và cung cấp toàn bộ các thông tin phục vụ cho kinh doanh. 

pham-van-trung-ceo-1640812418-5916-16408

Dựa trên kinh nghiệm CĐS nội bộ của mình CMC TSSG tiếp tục nâng cấp và đang phát triển đóng gói để thương mại hóa ra thị trường, thực hiện việc tham số hóa để đáp ứng linh hoạt mọi loại hình DN. Hiện, CMC TSSG đã và đang tiếp tục triển khai sản phẩm mang tên C-SUITE.

Đây là hệ thống thông tin tổng thể có khả năng phân phối thông tin đến đúng đối tượng. CSUITE được đóng gói linh hoạt theo những phân hệ nhỏ như C-Office: giúp quản lý công việc hành chính, phòng ban, phỏng vấn, tuyển dụng, quản lý chấm công, phê duyệt online; C-Sales: quản lý và hỗ trợ bán hàng, danh sách KH, báo giá, phương án kinh doanh, thực hiện hợp đồng) hoàn toàn trực tuyến…

CMC hiện có một viện nghiên cứu đã đưa ra một số công nghệ CMC làm chủ được, ví dụ như: chữ ký số CMC CA, C-contract – quản trị hệ thống để ký kết hợp đồng với khách hàng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hoặc là công nghệ phân tích xu hướng đám đông như social listening. Các nhãn hàng lớn có thể sử dụng công nghệ này để nghe xem khách hàng nói gì về họ và cho phép họ đánh giá khách hàng nhận xét về họ tốt hay xấu, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. 

Do đó, CMC hoàn toàn làm chủ được nhiều công nghệ để phục vụ tiến trình CĐS tại DN, giúp cho DN ứng dụng công nghệ số để giải quyết bài toán vận hành công ty và kinh doanh.

* CĐS đang được coi là công cụ đưa DN bứt phá đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, ông có đồng ý với nhận định này và vì sao?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Bản chất CĐS chính là sự thay đổi của DN để thích nghi với sự thay đổi của xã hội và nền kinh tế. DN nào muốn tồn tại thì phải thay đổi. Sự thay đổi nhanh hay chậm cũng quyết định sự thành công của DN. 

mr-pham-van-trung-1640812458-5795-164081

* Theo ông trong năm 2022, công nghệ sẽ dịch chuyển theo xu hướng nào? Và CMC TSSG có kế hoạch gì để không bỏ lỡ cơ hội?

- Theo nhận định của McKinsey cũng như các chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ, xu hướng công nghệ trong thời gian tới vẫn là: CĐS, Cloud, bảo mật, software-defined everything (sử dụng phần mềm để thay đổi thế giới/giải quyết tất cả mọi thứ). Trong đó, xu hướng CĐS sẽ có sự chuyển đổi khác nhau theo 3 cấp độ mà tôi đã đề cập ở phía trên.  

Trong thời gian sắp tới, CMC TSSG sẽ tập trung vào 4 mảng CĐS DX và CX - nghĩa là cung cấp các giải pháp cho DN để giúp khách hàng của họ tăng cường trải nghiệm; Cloud - chúng tôi tập trung vào hybrid cloud và multicloud. Song hành với Cloud là Bảo mật – chúng tôi giúp khách hàng tầm soát nguy cơ, đưa ra cảnh báo và tư vấn quy trình bảo mật. 

Và cuối cùng là CMC đem những hiểu biết (know how) trong quá trình trải nghiệm số hóa của chính mình để giúp khách hàng rút ngắn hành trình CĐS thành công.

* Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO CMC TSSG Phạm Văn Trung: Chuyển đổi số là sự thích nghi của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO