Cần thiết xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực

Duy Khánh| 23/08/2019 06:00

Các chuyên gia cho rằng, phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực là chiến lược quốc gia, chứ không của riêng địa phương.

Cần thiết xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực

Tại Hội thảo "Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" vừa qua, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, năm 2002 Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về TP.HCM đã xác định việc xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước, từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (ASEAN). Do đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, đây phải là chiến lược quốc gia, chứ không của riêng địa phương. Đồng quan điểm, GS-TS. Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM lưu ý, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đề cập tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển. “Một quốc gia phát triển mà không có một trung tâm tài chính quốc tế có được không? Chúng ta phải bắt tay ngay từ bây giờ. Ý tưởng này phải là khát vọng của Chính phủ cho đến mỗi người dân Thành phố. Cần có những quyết sách từ Trung ương đến địa phương trong phát triển một khu tài chính đặc biệt tại TP.HCM”, GS-TS. Trần Ngọc Thơ nói.

Link bài viết

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dù đề án đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng có thể khẳng định sự cần thiết phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới đạt chất lượng để trình ra Trung ương”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại hội thảo.

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, các khía cạnh cốt yếu để đánh giá một trung tâm tài chính chính là môi trường kinh doanh, nguồn vốn, con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính, danh tiếng của thành phố. So với các thành phố trong khu vực, TP.HCM còn ở mức khiêm tốn về quy mô kinh tế, thu hút thương mại, năng lực cạnh tranh toàn cầu, quy mô thị trường chứng khoán... TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất 6 nội dung TP.HCM phải tăng tốc thực hiện trong thời gian tới để chuẩn bị xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của đất nước và khu vực. Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính để hơn 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng với thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ hai, xây dựng chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo tầm nhìn năm 2030 và cốt lõi của mô hình thành phố thông minh mà TP.HCM đang xây dựng là thiết bị thông minh và trí tuệ nhân tạo. Thứ ba, đẩy mạnh kiện toàn giao thông từ nay đến năm 2025, ứng dụng quản trị giao thông thông minh. Thứ tư, tăng tốc chương trình chống ngập. Thứ năm, hiện đại hóa quy hoạch đô thị. Thứ sáu, đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố, trong đó quan tâm hơn đến khởi nghiệp công nghệ tài chính.

GS-TS. Sử Đình Thành - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, xét về tính hội tụ, TP.HCM đã lộ diện một trung tâm tài chính khi chiếm đến 20% GDP, 30% tổng thu ngân sách, 30% tổng dư nợ vay và vốn huy động của các ngân hàng so với cả nước. Tuy nhiên, mức độ tác động và chu chuyển vốn trên phạm vi cả nước vẫn khiêm tốn, nên để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vẫn còn khoảng cách xa. Với xuất phát điểm như vậy, ông Thành kiến nghị, trước hết, cần thành lập Ủy ban xúc tiến phát triển trung tâm tài chính TP.HCM, có nhiệm vụ xây dựng chiến lược tổng thể, điều phối giữa các bộ, ngành; rà soát các chế độ, khuôn khổ pháp lý phục vụ cho phát triển trung tâm tài chính TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần thiết xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO