Diễn đàn

Cần “mạnh tay” với các hoạt động xâm phạm bản quyền báo chí

Tâm An 17/03/2024 12:47

Đó là quan điểm của Nhà báo Dương Quang - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tại phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024.

Theo nhà báo Dương Quang, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gần đây có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, cách thức vi phạm đã biến ảo theo chiều hướng tinh vi hơn, hiện đại hơn, khó phát hiện hơn trước.

banquyen1.jpg
Nhà báo Dương Quang - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ tại phiên thảo luận

Nhà báo Dương Quang lấy ví dụ hai vụ việc tiêu biểu mà nạn nhân là phóng viên báo Người lao động. Vụ thứ nhất, giữa năm 2023, phóng viên ảnh của Báo Người Lao Động trong quá trình sử dụng mạng xã hội thì bắt gặp một bức ảnh của mình có mặt trong TVC quảng cáo nhãn hàng của một tập đoàn nước ngoài. Anh vào cuộc tìm hiểu, biết đích xác là ảnh của mình, liền nhờ luật sư tư vấn.

Sau khi nhận thông báo từ phía phóng viên ảnh, tập đoàn kia ban đầu có giải thích về nguồn hình. Hai bên trải qua nhiều bước thương lượng, rồi lập hợp đồng mua bán ảnh; cuối cùng, đến cuối năm 2023, tập đoàn ấy phải trả nhuận ảnh hàng trăm USD cho chính chủ.

Vụ thứ hai, đầu năm 2024, Báo Người Lao Động đăng phóng sự ảnh về một lễ hội ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Để có được series gần 50 tấm hình và những shot quay hình đặc sắc, phóng viên đã phải hòa vào lễ hội cả ngày, ghi nhận sự kiện, phỏng vấn nhiều người để hoàn thành tác phẩm gửi Tòa soạn.

Sau khi được đăng trên Báo Người Lao Động điện tử, phóng sự ảnh này bị lấy lại, xử lý cho khác nguyên gốc, phát trên fanpage, kênh Youtube và TikTok của một đài phát thanh - truyền hình tầm cỡ cấp tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Đài này đã biến phóng sự ảnh này thành video, đưa AI tự động đọc text, toàn bộ ảnh tĩnh được xử lý lại dạng flash (nhằm né bị Google “đập gậy” bản quyền), đặc biệt là không hề ghi nguồn dẫn.

“Chúng tôi kiểm tra văn thư và xác định nhà đài này chưa được Báo Người Lao Động có văn bản cho phép khai thác lại tác phẩm từ năm 2024 trở đi Với một kênh Youtube có hơn 2 triệu subscriber của nhà đài đó, đã bật kiếm tiền, thì rõ ràng trường hợp này là “tạo nguồn thu từ công sức lao động của người khác”. Vậy kiện được không, hay chỉ khiếu nại để đánh động, hoặc im lặng cho qua? Còn bao nhiêu kênh Youtube khác đã, đang “nấu cháo trên lưng đồng nghiệp” như thế này?”, nhà báo Dương Quang bức xúc.

Để giải quyết tình trạng này, theo nhà báo Dương Quang, về phía các cơ quan báo chí là nạn nhân thường xuyên của tình trạng ăn cắp bản quyền, thay vì chỉ biết than thở hoặc thụ động ứng phó như trước, vài năm gần đây đã tiến hành một số giải pháp chủ động hơn, như: thành lập Tổ Bản quyền, xây dựng mạng lưới cảnh giới và báo tin rộng khắp trên các nhóm mạng xã hội, phát hành thông tin cảnh báo chống ăn cắp, báo cáo kịp thời với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương về các trường hợp vi phạm, sử dụng phần mềm để rà soát, phát hiện nạn lấy cắp tác phẩm…

baove.jpg
Phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024.

Tại Báo Người Lao Động, trước năm 2020 có khoảng 8.000-10.000 tin, bài bị khai thác trái phép mỗi năm, đã thành lập Tổ Pháp lý, chuyên trách 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ bản quyền, chống xâm phạm và xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời, chúng tôi dựng tường phí.

Cụ thể, đối với những tác phẩm báo chí chất lượng cao, độc quyền, báo Người lao động đưa vào chuyên mục thu phí đọc báo “Dành cho bạn đọc VIP” (ra mắt cuối tháng 07/2022). Nhờ đó, Tòa soạn thu được tiền để bù đắp một phần chi phí sản xuất, tối ưu hóa tác phẩm, hạn chế được tình trạng sử dụng lại tin, bài mà không xin phép.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng tâm thế khởi kiện bất cứ cá nhân, tổ chức nào ăn cắp bản quyền tác phẩm thuộc Báo Người Lao Động ra tòa để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình. Thực ra, mục đích cao hơn là để ngăn đe trên diện rộng. Mong rằng các báo cùng chí hướng sớm đồng tâm, hợp lực lại thành một liên minh, quyết chí tuyên chiến với bất kỳ hành vi ăn cắp bản quyền nào. Giải pháp này, chúng tôi cho là khả thi”, ông Quang thông tin.

Tuy nhiên, theo nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập Báo Dân trí, thủ tục khởi kiện đôi khi khá nhiêu khê và cách thức hoạt động của các đối tượng tinh vi. Vì thế, ông Tuấn Anh mong được các cơ quan chức năng hướng dẫn thêm. Đặc biệt, nếu có thể xử lý điểm những vụ vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, cần có chế tài đủ tính răn đe để từ đó giúp cho các cơ quan báo chí thuận lợi hơn trong hoạt động thời gian tới.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập báo Thanh niên cho rằng, cần hình thành liên minh bản quyền báo chí, cần sự kết hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông. Ông Toàn cũng cho rằng, việc dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí cần được đặt ra trong tổng thể một chiến lược hỗ trợ giúp các quan báo chí chính thống phục hồi và phát triển trong những điều kiện hoàn toàn mới.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Phan Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh công nghệ 4.0, vấn đề bản quyền đang ngày càng trở nên cấp bách. Vì thế, cần có các hiệp hội, đại diện tổ chức tập thể làm cầu nối để đứng ra bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần “mạnh tay” với các hoạt động xâm phạm bản quyền báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO