Mỹ và EU đang siết chặt các quy định nhập khẩu đồ gỗ. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cảnh báo doanh nghiệp (DN) cẩn trọng hơn về nguồn nguyên liệu gỗ.
Đọc E-paper
* Đặt mình vào nhà kinh doanh, ông nhận định thế nào về việc sản xuất đồ gỗ từ gỗ hợp pháp để xuất khẩu của DN nước ta?
- Các nhà nhập khẩu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiêu thụ gỗ hợp pháp để làm ra những sản phẩm đảm bảo yêu cầu về môi trường để xuất khẩu. Tổng giá trị đồ gỗ xuất khẩu của nước ta gia tăng rất mạnh, năm 2015 đã xuất khẩu gần 7 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ đồ gỗ của Việt Nam đã lấy được lòng tin của các thị trường, kể các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Tất nhiên, đâu đó, người ta vẫn quan ngại về việc DN Việt Nam sử dụng gỗ có nguồn gốc không rõ ràng, trong bối cảnh vẫn có việc buôn bán gỗ bất hợp pháp xuyên biên giới với một số láng giềng. Tôi nghĩ, tình trạng nhập khẩu gỗ, buôn bán gỗ nhỏ lẻ để làm các sản phẩm tiêu thụ trong nước vẫn diễn ra nhưng đối với đồ gỗ xuất khẩu, DN không dại gì mà vướng vào các vấn đề này.
* Việc Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật, cũng như chưa có hệ thống kiểm định về chất lượng gỗ, theo ông sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc đưa đồ gỗ ra thị trường thế giới?
- Ngành công nghiệp chế biến và thương mại gỗ liên quan đến các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt liên quan đến nguyên liệu từ rừng và có ảnh hưởng đến môi trường, phát thải khí nhà kính, nên các nước, đặc biệt là khu vực EU hay Mỹ đều siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này tốt nhưng cũng gây không ít khó khăn cho DN nước ta xuất khẩu đồ gỗ ra thế giới.
* Kiểm soát nguồn gốc gỗ lâu nay vẫn khó, ông có kiến giải gì thay đổi tình trạng này?
- Khi sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường như EU, Mỹ,... DN Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ khoảng 30 nước. Vì vậy, Việt Nam phải sớm hoàn chỉnh định nghĩa về "gỗ hợp pháp", sớm định hình hệ thống theo dõi xuất xứ của gỗ cũng như hoàn thiện hệ thống giám sát của Chính phủ, với sự tham gia của đại diện DN. Cạnh đó cũng cần yêu cầu các nhà cung cấp gỗ nguyên liệu cẩn thận hơn trong việc đảm bảo gỗ bán cho DN Việt Nam phải có xuất xứ hợp pháp.
Đối với nguồn gỗ nguyên liệu khai thác ở trong nước, hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các DN và nông dân đang xúc tiến rất mạnh mẽ việc "chứng chỉ rừng". Công việc này tốn kém, khó khăn nhưng tôi tin với những việc làm đó sẽ hạn chế được rủi ro của DN khi xuất khẩu đồ gỗ.
* Đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật, quản trị và thương mại gỗ (FLEGT-VPA) có thể hoàn tất vào tháng 6/2016. Theo ông, DN ngành gỗ sẽ chịu những tác động nào từ hiệp định này?
- Chính phủ Việt Nam cũng như Ủy ban châu Âu (EC) đang hối thúc các bộ ngành có liên quan của hai bên sớm hoàn tất việc đàm phán và ký FTA VPA. Việt Nam sẽ tự quản trị trong lĩnh vực cấp phép xuất khẩu đồ gỗ vào EU. Việc thực thi hiệp định vài năm đầu có thể khó khăn, nhưng FLEGT-VPA sẽ góp phần cho đồ gỗ của Việt Nam được xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường của EU, làm cho người tiêu dùng EU yên tâm hơn khi mua đồ gỗ từ Việt Nam.
* Cảm ơn ông!
>DN ngành gỗ kỳ vọng nhiều vào Vifa Expo 2016
>Xuất khẩu gỗ sang EU: Cần kiểm soát chặt chất lượng gỗ
>Ngành chế biến gỗ: Hết thời xu hướng đơn lẻ?