Cần gói giải cứu những doanh nghiệp sắp phá sản

Song Anh| 26/08/2020 03:00

Gói hỗ trợ để giải cứu những doanh nghiệp sắp phá sản sẽ giúp lực lượng này trụ lại, không để tình trạng lao động mất việc làm lan rộng, tác động nặng nề hơn đến nền kinh tế trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận xét.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế

* Một gói hỗ trợ mới là cần thiết, nhưng theo ông, gói hỗ trợ đợt hai nên như thế nào?

- Tôi ủng hộ cách Chính phủ miễn, giảm thuế nhiều hơn cho doanh nghiệp. Trước đây, nước ta đã có 4 gói hỗ trợ, bao gồm gói 300.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp thương mại, gói 180.000 tỷ để giảm thuế, miễn thuế, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động mất việc và gói 18.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay để giữ chân người lao động. Nhưng các gói hỗ trợ này có tác động rất chừng mực và không phải là gói giải cứu, đặc biệt là về thuế, chỉ các doanh nghiệp có lãi mới có thể đóng thuế. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng - loại thuế đánh vào giá hàng và không dựa trên lợi nhuận, lại không được giảm. Đến nay, Chính phủ chưa có gói hỗ trợ nào cho những doanh nghiệp bị mất thanh khoản, doanh thu bị thu hẹp và bị lỗ, sắp rời khỏi thị trường. 

* Như ông nói, cần một gói giải cứu cụ thể về đối tượng và chính sách hỗ trợ?

- Đúng là cần một gói hỗ trợ mạnh hơn để giúp doanh nghiệp trụ lại trong và sau đại dịch. Gói hỗ trợ mới cần được định danh là hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh và phải định nghĩa rõ doanh nghiệp nào là đối tượng thụ hưởng. Nếu tiếp tục chung chung như gói 300.000 tỷ, các ngân hàng sẽ tiếp tục chọn khách hàng để cho vay, đó là những doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Các ngân hàng không hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh vì rủi ro nợ xấu, nhưng không dám động đến những doanh nghiệp yếu kém. 

Tôi đồng ý với quan điểm của các ngân hàng về bảo toàn vốn. Kinh tế suy giảm, doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng cũng rơi vào suy thoái, bắt buộc họ phải cho vay theo chuẩn mực. Do đó, phải có một gói giải cứu, cho phép ngân hàng cho vay dưới chuẩn bằng cách thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng. Muốn vậy, Chính phủ nên cơ cấu lại hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng đang có trên cả nước.

1321321-2085-1598407655.jpg

Quyết định 34 của Chính phủ ban hành năm 2018 quy định cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng trên thực tế, các quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động rất èo uột, vẫn là các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương do địa phương cấp ngân sách để thành lập. Vốn điều lệ của các quỹ này chỉ quanh mức 100 tỷ đồng và theo quy định hiện hành, không được phát hành quá ba lần trên vốn điều lệ, tức là không thể phát hành quá 300 tỷ đồng. Khoản vốn này, với mỗi một địa phương có hàng trăm doanh nghiệp thì chỉ là "muối bỏ biển”. 

Đã nhiều lần tôi đề nghị cơ cấu các quỹ này thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, với số vốn điều lệ phải lên tới 10.000 tỷ đồng và cho phép quỹ này được phát hành bảo lãnh ít nhất là 5 lần trên vốn tự có, tức là 50.000 tỷ đồng. Con số 50.000 tỷ đồng, nếu so với các ngân hàng đang cho vay khoảng 2 triệu tỷ đồng hiện nay có thể vẫn rất nhỏ so với nhu cầu của những doanh nghiệp bên vực phá sản bởi đại dịch, nhưng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn rất nhiều so với các quỹ bảo lãnh tín dụng của các địa phương hiện nay.

* Vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện nay không phải là đóng thuế hay lợi nhuận, đó là sự sống còn, phải không thưa ông?

- Đúng vậy. Doanh nghiệp phải có thanh khoản để trả tiền nguyên vật liệu, trả lương công nhân, trả thuế, phí cho Chính phủ và trả nợ cho ngân hàng. Hiện nay, số doanh nghiệp bên vực phá sản đang tăng mỗi một tháng, đó là đối tượng Chính phủ cần quan tâm. Bởi vì doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, nếu lượng lớn doanh nghiệp phá sản, sẽ mất một lượng rất lớn việc làm, trong khi phục hồi không phải là chuyện ngày một, ngày hai. 

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần gói giải cứu những doanh nghiệp sắp phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO