Chuyện làm ăn

Cách tiếp thị du lịch ở các thị trường quốc tế

Phan Trần Khánh Ngân 28/10/2023 - 15:36

Với du lịch thì mọi sản phẩm đều liên quan đến dịch vụ, hay còn gọi là dịch vụ hóa sản phẩm, nên chính sách tiếp thị và truyền thông phải vừa sáng tạo, táo bạo, đa chiều nhưng phải bảo vệ được hình ảnh thương hiệu.

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, trong tháng 9/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Từ kết quả đón khách trong 9 tháng đã vượt kế hoạch đề ra, ngành du lịch đặt mục tiêu sẽ đón thêm 4 triệu khách quốc tế trong những tháng cuối năm 2023, đưa tổng lượng du khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt.

Để thực hiện mục tiêu ấy, một kế hoạch xúc tiến du lịch là rất cần thiết.

Thứ nhất là thiết kế sản phẩm du lịch hướng đến sự riêng biệt đối với từng thị trường để phục vụ những nhóm du khách khác nhau. Ví dụ, với thị trường Ấn Độ và Tây Á với đặc trưng là du lịch theo nhóm, cần có nơi riêng biệt để cầu nguyện, cần thức ăn có chứng chỉ Halal. Nhóm khách hàng chi tiêu cao như du lịch hội nghị (MICE) và đám cưới với du khách Ấn Độ thì cần không gian và hạ tầng phục vụ số lượng khách đông và chuyên biệt trong thời gian dài. Các tour như vậy ngoài ý nghĩa kinh tế, còn là cách tiếp thị thị trường Ấn Độ với sức ảnh hưởng và lan tỏa có thể đến hàng triệu người từ quốc gia giàu tiềm năng du lịch outbound này. Tương tự là thị trường Trung Đông. Nhóm khách Trung Đông cũng có nhu cầu tương tự nhóm khách Ấn Độ về những dịch vụ riêng biệt. Nhóm khách này cũng có thể đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và tài chính, kết hợp du lịch MICE, nghỉ dưỡng, hay tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao ngoài trời. Vì vậy, có thể thiết kế các tour du lịch mang đậm tính văn hóa và giải trí với nhóm khách này.

1545435.jpg

Khách từ châu Âu, Bắc Mỹ và Úc chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng và giải trí. Nhóm này thường du lịch bằng du thuyền, nghỉ dưỡng dài ngày tại resort cao cấp, tham gia hoạt động dã ngoại vùng nông thôn đặc trưng. Họ thường là khách hàng chi tiêu cao và trung thành nếu được phục vụ tốt. Riêng khách đi đơn lẻ từ nhóm này lại thích khám phá, trải nghiệm mang tính mạo hiểm, thường ngẫu hứng tìm đến những địa điểm được bình luận, tương tác nhiều trên các trang mạng. Đặc điểm chung của nhóm du khách phương Tây là thích trải nghiệm bản địa với cách tổ chức du lịch bền vững.

Nhóm khách Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lại thích khám phá về văn hóa, như những công trình mang đậm chất phương Đông, phố cổ, làng nghề và thường đi theo đoàn hơn là đơn lẻ. Nhóm này cũng thích mua đồ lưu niệm, sản vật địa phương. Riêng nhóm khách hàng trẻ, giàu có thì thường thích mua sắm đồ thời trang, thích vào những hàng quán hiện đại.

Nhóm khách Đông Nam Á có cách tiêu dùng gần tương đồng du khách Đông Bắc Á. Họ cũng chú trọng di sản văn hóa địa phương, thích mua sắm sản vật và hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch mang tính tương đồng với nước họ như bãi tắm và sông ngòi, rừng rậm lại ít được ưa chuộng hơn các nhóm du khách phương Tây và Đông Bắc Á.

Thứ hai là định giá sản phẩm và dịch vụ du lịch. Theo đó, người làm du lịch cần thiết kế bảng giá sao cho phù hợp, như giảm giá với mặt hàng và dịch vụ này, tăng giá với mặt hàng và dịch vụ khác theo tâm lý tiêu dùng của khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích đôi bên. Để duy trì chiến lược giá như vậy, người làm du lịch cần thiết kế sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi hoặc liên kết sản phẩm du lịch của nhiều chủ sở hữu với sự hỗ trợ của mạng máy tính, nhân viên công nghệ và marketing.

Thứ ba, người làm du lịch cần xác định danh mục sản phẩm, giá cả, chính sách ưu đãi, chính sách visa, các dịch vụ và sản phẩm có liên quan cần được truyền tải đến khách hàng là gì và qua các kênh nào, khi nào, ở đâu, bao lâu và bao nhiêu. Với du lịch thì mọi sản phẩm đều liên quan đến dịch vụ, hay còn gọi là dịch vụ hóa sản phẩm, nên chính sách tiếp thị và truyền thông phải vừa sáng tạo, táo bạo, đa chiều nhưng phải bảo vệ được hình ảnh thương hiệu.

Quảng bá và marketing cho sản phẩm, dịch vụ du lịch có thể thông qua các kênh trực tuyến và mạng xã hội; đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao, ẩm thực, tham dự hội chợ du lịch quốc tế; mời đoàn phim thực hiện các cảnh quay tại những địa điểm du lịch nổi tiếng. Người làm du lịch có thể liên kết các chuỗi khách sạn giới thiệu về Việt Nam với ấn phẩm là tờ rơi hoặc trình chiếu video, các hình ảnh đặc trưng dưới hình thức ngắn gọn, bắt mắt và bao gồm thông tin về địa chỉ liên lạc đầu mối. Nếu làm được như vậy thì hình ảnh và sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ được quảng bá rộng rãi và hiệu quả đến du khách quốc tế.

Một điểm cần chú ý nữa là sản phẩm, dịch vụ du lịch được tiêu dùng tại chỗ với kết quả ngay tức thời, nên cảm nhận của du khách là vô cùng quan trọng. Vì vậy, người làm du lịch phải cởi mở với trend (xu hướng) trên thị trường, nhạy cảm với vấn đề liên quan đến thị trường du lịch như sự kiện âm nhạc hoặc thể thao để tận dụng hiệu ứng mà các sự kiện ấy mang lại.

Vấn đề hỗ trợ cho marketing du lịch rất cần đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp cả về kỹ thuật và kỹ năng ngoại ngữ cho từng thị trường cụ thể. Người làm du lịch cũng cần có thêm chuyến bay kết nối quốc tế, mở văn phòng đại diện trực tiếp hoặc gián tiếp khi xác định được địa điểm có nhiều khách hàng tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách tiếp thị du lịch ở các thị trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO