Cá cảnh không chỉ “để chơi”

An Phương| 21/09/2019 00:00

Tính đến năm 2018, TP.HCM có 292 cơ sở, hộ nuôi cá cảnh thương phẩm trong hồ kính, hồ xi măng, ao đất với tổng diện tích khoảng 90ha. Ngoài việc bán cho người chơi cá cảnh trong nước, năm 2018, 20 đơn vị nuôi cá cảnh đã xuất khẩu đạt kim ngạch 22,4 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Số ngoại tệ thu về như vậy là không ít đối với một nghề tưởng như “để chơi”.

Cá cảnh không chỉ “để chơi”

Mươi năm trước, cá cảnh đã được xác định là một trong những lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của TP.HCM nhưng Thành phố không phải đầu tư bất cứ thứ gì, kể cả cho thuê đất làm ao nuôi. Thế mạnh của ngành cá cảnh Thành phố là có nhiều người chơi cá cảnh đã trở thành nghệ nhân - nghệ nhân cha truyền con nối với kinh nghiệm từ chọn giống, kỹ thuật nuôi, nhân giống đến thương mại, kể cả xuất khẩu.

Để hỗ trợ ngành nuôi cá cảnh phát triển, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã 4 lần tổ chức triển lãm cá cảnh, quy tụ nhiều doanh nghiệp và nghệ nhân nuôi cá cảnh của Thành phố và Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Dương, Tiền Giang.

Đến thăm triển lãm cá cảnh lần thứ 4 vừa được ITPC tổ chức mới thấy “thế giới cá cảnh” rất phong phú: Cá dĩa có giống đỏ dưa hấu, bồ câu, tuyết trắng, hoa văn, chấm beo; cá rồng có ngân long, thanh long, hồng long, kim long hồng vỹ, kim long quá bối, huyết long, ngân long abino; cá vàng có yuanbao, ranchu, Ryukin (lưu kim), redcap, hạc đỉnh hồng, pingpong, oranda (đầu lân); cá koi có giống trắng pha đỏ, đen pha trắng, bạch kim, vàng kim... Như vậy là Việt Nam có đủ các loại cá cảnh nổi tiếng không thua bất cứ quốc gia nào.

Nuôi cá cảnh trước hết là “để chơi” - một thú chơi tao nhã, thư giãn cả thể chất lẫn tâm hồn. Cá cảnh không giống như những vật nuôi khác, chúng không biết kêu, biết hót, có thể cảm được sự điềm tĩnh của chúng, từ đó góp phần hình thành nên tính cách chuẩn mực của người chơi. Người ta có thể ngồi hàng giờ trước một bể cá nhìn chúng bơi lội để chiêm nghiệm về cuộc đời. Nhiều khi những bài học trong cuộc sống được rút ra bắt đầu từ thú chơi cá cảnh. Đó cũng là lý do mà cá cảnh trở thành thương phẩm với thị trường ngày càng mở rộng. Riêng cá cảnh nuôi tại TP.HCM đã xuất khẩu đến 46 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 55%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.

Nuôi cá cảnh thương phẩm đã trở thành một nghề sinh lãi cao nên ngoài các giống cá quý hiếm trong nước và nhập khẩu để nhân giống, còn phải có thức ăn, bể nuôi, máy tạo ôxy, thực vật thủy sinh, hòn non bộ, đàn trang trí, chế phẩm xử lý vi sinh... Hiện nay, tại TP.HCM, các cơ sở nuôi cá cảnh đều được đáp ứng đầy đủ những dịch vụ ấy, riêng những loại thức ăn chuyên biệt để tạo màu, góp phần tạo sự đột biến gene cho một số loại cá, đáng tiếc là chưa có doanh nghiệp nào đầu tư sản xuất nên để ngõ thị trường cho hàng ngoại nhập.

Theo kỹ sư Tống Hữu Châu, chủ Trại cá Châu Tống - một doanh nghiệp chuyên cá cảnh lớn nhất TP.HCM, nghề nuôi cá cảnh đang phát triển, Việt Nam đã sản xuất được nhiều giống cá đẹp, lạ cho nên các cơ sở nuôi và kinh doanh cá cảnh nên đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu vì đây là vấn đề quan trọng cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xuất khẩu. Kỹ sư Hữu Châu cũng cảnh báo, một số nông dân ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đang mở rộng nuôi cá koi nhập từ Nhật Bản và được lai với cá chép Việt Nam thì phải thật cẩn trọng, nếu không sẽ đổ nợ, bởi cá koi dù dễ nuôi nhưng chúng chỉ đẹp khi nuôi trong bể lớn, trung bình một bể nuôi cá koi được đầu tư bài bản với những con cá chuẩn có giá từ 50.000-300.000 USD, nên người chơi cá koi ở TP.HCM còn rất hạn chế. Nếu đầu tư lớn để mua cá giống một ngày tuổi giá 100 đồng/con, cá giống một tháng tuổi giá 3.000-6.000 đồng/con về nuôi mà không bán được cá thương phẩm thì sẽ lỗ nặng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cá cảnh không chỉ “để chơi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO