Từ tháng 10/2017 đến nay, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã liên tục gây chú ý trong cả nước với phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức định kỳ từ ngày 1 - 3 hằng tháng. Sở hữu nguồn sâm được đánh giá là một trong 4 loại sâm quý hiếm nhất thế giới, huyện miền núi này được đánh giá là năng động và hoạt động hiệu quả trong việc quảng bá đặc sản địa phương.
Mới đây nhất, chiều 26/7, UBND huyện Nam Trà My cho ra mắt Cổng thông tin thực tế ảo du lịch vùng sâm và ứng dụng hỗ trợ du lịch dựa trên trí tuệ nhân tạo tại địa chỉ namtramy.gov.vn/web360.
Cổng thông tin được xây dựng dựa trên công nghệ ảnh 360 độ hay còn gọi là VR photo (Virtual Reality Photo) – kỹ thuật chụp và xử lý để có bức ảnh toàn cảnh 360 độ. Các ảnh 360 được xây dựng thành các ứng dụng có khả năng tương tác như: web 360 độ chạy trên server hoặc ứng dụng (app) lưu trữ trên kho ứng dụng. Người dùng hoàn toàn truy cập dễ dàng từ xa bằng các thiết bị như máy tính, thiết bị di động thông minh. Ưu điểm chính của công nghệ này cho phép người xem có cảm giác như đang đứng ở tại không gian đó và hoàn toàn có thể quan sát xung quanh 360 độ ở bất kỳ góc nhìn nào.
Cổng thông tin cho phép giới thiệu, quảng bá về cảnh quan tự nhiên, sản phẩm, sản vật đặc trưng và văn hóa các dân tộc ít người tại Nam Trà My thông qua những hình ảnh thực tế, sắc nét được ghi lại với công nghệ ảo hóa 360 độ. Hình ảnh được thể hiện dưới 2 dạng chính là ảnh ảo trên cao (được thực hiện bằng máy bay không người lái) cho phép người xem có cái nhìn toàn cảnh về mỗi địa điểm, ảnh ảo dưới mặt đất ghi lại chi tiết cảnh vật xung quanh dưới góc nhìn tương tự người tham quan.
Ngoài ra, cổng thông tin cũng cung cấp các nội dung như mô hình 3D sản phẩm sâm Ngọc Linh, video, ảnh, mô tả bằng âm thanh và văn bản cho từng địa điểm được số hóa.
Hiện nay, cổng thông tin đã cập nhật được hơn 20 điểm tương tác để du khách trong nước và quốc tế khám phá. Đây là phần mềm có nguồn mở nên dữ liệu về các địa điểm du lịch ảo sẽ được bổ sung không giới hạn.
Công nghệ thực tế ảo đã được nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ trên thế giới và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đem lại những lợi ích to lớn. Tại Việt Nam, công nghệ này cũng đã được sử dụng trong một số địa điểm như bảo tàng, nhà hàng… tuy nhiên việc áp dụng công nghệ này để quảng bá danh thắng, văn hóa địa phương, tăng cường cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế nông lâm đặc thù thì chưa có nhiều nơi làm.
Từ ngày 1 - 3/8/2018, huyện Nam Trà My cũng tổ chức khai mạc lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ hai. Với chủ đề là “Hương sắc Ngọc Linh”, lễ hội mang chủ đích quảng bá những đặc trưng văn hóa, loài cây dược liệu quý hiếm của huyện, những danh lam thắng cảnh của quê hương tới công chúng mọi miền trên cả nước. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về dược liệu và các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng tại Nam Trà My.
Hiện tại mỗi năm, sản phẩm sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam đạt tổng doanh thu khoảng 500 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện Nam Trà My kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng như thời gian vừa qua, đến năm 2020, tổng doanh thu từ loại dược liệu quý này sẽ đạt 2.000 tỷ đồng/năm.