Doanh nhân Võ Văn Hải: Khát vọng lan tỏa tinh hoa đặc sản Việt

THANH NGA| 31/07/2018 07:00

Câu chuyện được lan truyền mới đây về việc phở bò ăn liền Vifon chỉ trong 10 ngày đã bán hết 20.000 hộp tại chuỗi cửa hàng GS 25 Hàn Quốc đã giúp doanh nhân Võ Văn Hải có thêm nhiệt huyết theo đuổi Dự án SFAN - Hiệp hội đặc sản Việt với tiêu chí: “Đúng vùng miền, đúng nghệ nhân và đúng giá trị”.

Doanh nhân Võ Văn Hải: Khát vọng lan tỏa tinh hoa đặc sản Việt

Doanh nhân Võ Văn Hải - Giám đốc dự án SFAN

Chuỗi cung cấp đặc sản đúng 

Tại khu trưng bày bên lề Hội thảo “Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội, gian hàng “SFAN - Đặc sản đúng” đặc biệt thu hút người tham quan với các đặc sản như bò một nắng 2 sương (Phú Yên), chả ram tôm đất (Bình Định), bánh phồng tôm (Cà Mau), miến dong (Cao Bằng)… 

Trong vai người giới thiệu sản phẩm, doanh nhân Võ Văn Hải - Giám đốc Dự án SFAN - nhiệt tình chia sẻ về từng sản phẩm và không quên nhấn mạnh, sản phẩm được làm từ các cở sở sản xuất của các nghệ nhân danh tiếng mỗi địa phương. Trong câu chuyện anh kể, người nghe cảm nhận được nét văn hóa đặc trưng vùng miền, thậm chí, có cả hơi thở của cỏ cây, hoa lá…, tạo nên sức hút khó cưỡng đối với những đặc sản Việt Nam.

Chàng doanh nhân sinh năm 1986 người xứ Nghệ chia sẻ, đặc sản các vùng miền đang bị bó hẹp bởi yếu tố địa lý. Trong khi đó, người dân giờ đây không chỉ có nhu cầu ăn ngon, thực phẩm an toàn, mà món ăn, đồ uống phải đặc sắc, nhưng để được thưởng thức một món đặc sản địa phương cách mình vài trăm cây số là điều không đơn giản.

Nhận thấy dư địa đầy tiềm năng của kênh phân phối sản phẩm đặc sản, chàng cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân đã manh nha về một dự án đóng vai trò kết nối các nghệ nhân và người tiêu dùng cả nước thông qua quảng bá, giới thiệu và cung cấp các đặc sản Việt Nam.

Link bài viết

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Dự án SFAN, Hải đã đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, gặp gỡ và bày tỏ mong muốn hợp tác với các nghệ nhân nổi tiếng. Ở nhiều nơi, ý tưởng của Hải bị từ chối vì các lý do như: sản phẩm vẫn đang được bán tốt tại địa phương, nếu chia sẻ với đơn vị phân phối, lợi nhuận sẽ sụt giảm; nếu gia nhập SFAN, sẽ phải tuân thủ cam kết về an toàn thực phẩm, phải thay đổi mẫu mã, cách thức trình bày để phù hợp với thị hiếu… 

Dẫu vậy, SFAN cũng nhận được những cái bắt tay từ 20 nghệ nhân tại 5 tỉnh, thành phố, với danh mục hơn 15 đặc sản vùng miền. Họ hợp tác bởi mong muốn gìn giữ và đưa đặc sản của quê hương đến các vùng miền trên cả nước, doanh thu và lợi nhuận tăng lên. 

Có được sự hợp tác của các nghệ nhân, Hải bắt tay xây dựng mạng lưới phân phối gồm 20 đại lý, khai thác các thị trường chính là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ trưng bày, bán hàng và bảo quản sản phẩm. Cùng với đó, việc xây dựng trang web, hình thành mạng lưới marketing… đều được đầu tư nghiêm túc.

Đầu tháng 12/2018, SFAN chính thức ra đời với slogan: “Đúng vùng miền, đúng nghệ nhân và đúng giá trị”, thông qua việc quảng bá, giới thiệu và kết nối hệ sinh thái các nhà sản xuất đặc sản của Việt Nam. Trong vai trò tiếp nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm từ các địa phương và phân phối xuống các đại lý, sau gần 6 tháng thành lập, SFAN đã góp phần tạo ra doanh thu hơn 3 tỷ đồng, với tỷ lệ lợi nhuận từ 5 - 10% cho các gia đình nghệ nhân.

“Con số đó chưa phải là lớn, nhưng giúp tôi tự tin hơn về dự án của mình, khích lệ chúng tôi mở rộng danh mục sản phẩm và thuyết phục được nhiều hơn các nghệ nhân tham gia, tiến tới mở rộng ra thị trường các nước khác”, Võ Văn Hải cho biết.

Chấp nhận lợi nhuận thấp

Tính đến thời điểm này, SFAN không phải là đơn vị đầu tiên phân phối các sản phẩm đặc sản. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm google với từ khóa “kinh doanh đặc sản”, sẽ có ngay danh sách dài những đơn vị đang tham gia lĩnh vực này, như Đặc sản Thanh Hương (Hà Nội) chuyên kinh doanh bánh kẹo, trái cây sấy, gia vị…; Siêu thị Đại Lộc Phát (Đà Nẵng) kinh doanh các đặc sản miền Trung; Đặc sản Vĩnh Lợi Hưng (TP.HCM) chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản miền Nam… 

Bên cạnh đó là các cửa hàng đặc sản online nổi tiếng như Badasa, Vove, Hồng Lam…, cùng hàng ngàn shop bán hàng online trên mạng xã hội. Ngoài ra, mỗi địa phương lại có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng đặc sản khác nhau…

Link bài viết

Tham khảo và rút kinh nghiệm từ các mô hình kinh doanh đặc sản đi trước, Võ Văn Hải tìm hướng đi riêng cho mình. Theo đó, nguồn sản phẩm mà SFAN chọn kinh doanh là do cơ sở sản xuất của các nghệ nhân nổi tiếng tại các địa phương làm ra. “Cùng một loại đặc sản, nhưng sản phẩm do các nghệ nhân làm sẽ khác hẳn với kiểu sản xuất đại trà, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách thức làm, bởi họ có những công thức riêng, được kết tinh qua nhiều thế hệ”, Hải chia sẻ.

Đặc biệt, khác với các shop bán hàng online, người tiêu dùng rất khó kiểm định chất lượng, thậm chí, không chắc chắn được sử dụng đúng sản phẩm đặc sản như quảng cáo, SFAN và các cơ sở sản xuất cam kết về sản phẩm chuẩn đặc sản và tuân thủ nghiêm yêu cầu về vệ sinh, chất lượng. “Điều quan trọng là người tiêu dùng có thể đến các đại lý để thử sản phẩm trước khi quyết định mua… Và khi đã tin tưởng, họ sẽ là khách hàng lâu dài”, Hải nói.

Dù đã chọn cách đi riêng, với chiến lược kinh doanh khá bài bản, nhưng Võ Văn Hải cũng thừa nhận có không ít khó khăn mà những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đặc sản địa phương phải đối diện. Trước hết là về giá cả. Với các sản phẩm là đặc sản vùng miền, được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu địa phương đảm bảo chất lượng, thì chắc chắn giá thành sẽ cao hơn mặt bằng chung trên thị trường. 

Trong khi đó, SFAN lại chọn những sản phẩm do các nghệ nhân làm ra, họ khá bảo thủ trong việc cải tiến công nghệ để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nên khó càng thêm khó. Vì thế, giải pháp trước mắt của SFAN là chấp nhận lợi nhuận thấp để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.

Có một thông tin gây xôn xao dư luận gần đây là thương hiệu Phở bò Vifon ăn liền chỉ trong vòng 10 ngày đã bán hết 20.000 hộp tại chuỗi cửa hàng GS 25 Hàn Quốc. Ông Ju Young Yun - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn GS25 Retail (Hàn Quốc) - cho biết: “Chúng tôi đưa ra các tiêu chí đánh giá sản phẩm Việt Nam gồm: sản phẩm có chất lượng tuyệt vời, có thương hiệu uy tín và doanh nghiệp có sự đầu tư để cải tiến sản phẩm phù hợp thị hiếu mà vẫn giữ được nét truyền thống Việt Nam…”. 

Câu chuyện của Vifon và những lưu ý của người đứng đầu GS25 Retail đã giúp Hải có thêm nhiệt huyết theo đuổi tiêu chí mình đã vạch ra: “Đúng vùng miền, đúng nghệ nhân và đúng giá trị”. Chỉ có như thế, SFAN mới phát triển vững chắc để đưa các đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước và vươn ra thị trường nước ngoài.

Xác định rõ khách hàng mục tiêu là người thích thưởng thức ẩm thực vùng miền; người cần những món quà hấp dẫn, khác lạ và những tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh phân phối đặc sản, Võ Văn Hải tin tưởng vào dự án của mình. “Bởi rất nhiều người Việt Nam vẫn mong muốn tìm lại ký ức và niềm tự hào về những vùng quê thông qua hương vị riêng trong từng đặc sản vùng miền. Và, bởi SFAN đang theo đuổi giá trị cốt lõi là bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt”, anh Võ Văn Hải nhấn mạnh.

(Theo Báo đầu tư - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Võ Văn Hải: Khát vọng lan tỏa tinh hoa đặc sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO