Bóng đá Việt Nam và hệ lụy từ sự khó khăn của nền kinh tế

Lâm Hà| 10/01/2023 07:00

Khi mà hầu hết đội bóng đều phải sống phụ thuộc vào “bầu sữa” là túi tiền của các doanh nghiệp, trong một năm kinh tế khó khăn đã khiến không ít những đội bóng phải “dừng cuộc chơi”.

Bóng đá Việt Nam và hệ lụy từ sự khó khăn của nền kinh tế

Bóng đá Việt Nam gắn với danh xưng chuyên nghiệp cách đây 20 năm. Tuy nhiên, đến hiện tại xem ra chúng ta vẫn xong trong việc lần mò những bước đi đầu tiên trong quá trình hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp nền bóng đá, như cái tên gọi của nó.

Khi bóng đá “sống trên niềm vui của người khác”

Trước những năm 2000, tạm gọi là thời kỳ bóng đá chưa “lên chuyên”, các đội bóng hoạt động dựa trên sự đầu tư 100% từ ngân sách của tỉnh, mọi hoạt động được “bao tiêu”. 

Mùa giải 2000-2001, bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp hóa, các ông bầu, doanh nghiệp bắt đầu tham gia sâu vào bóng đá. Có thể với những vai trò khác nhau, là nhà tài trợ, hay thậm chí họ đầu tư hẳn một đội bóng mang tên doanh nghiệp mình và hướng đến mô hình chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ, bóng đá vốn mang mác chuyên nghiệp vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào túi tiền của các ông chủ. Toàn bộ các câu lạc bộ vẫn sống nhờ vào hầu bao của các ông chủ. Và điều này đã tạo nên những hệ lụy với không chỉ các đội bóng mà với cả nền bóng đá.

Trong lịch sử V-League, 7 đội bóng đã giải thể như Hòa Phát Hà Nội, Xuân Thành Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn, Hà Nội ACB, Kiên Giang, Ninh Bình và Than Quảng Ninh. Phần lớn nguyên nhân đều đến từ vấn đề tài chính. Và có thể con số sẽ tăng thêm trong thời gian tới khi sinh mạng các câu lạc bộ ở V-League vẫn dựa hoàn toàn vào ngân sách tài trợ chứ không phải kinh doanh thuần túy.

Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Những khoản đầu tư không thiết yếu có thể sẽ bị hạn chế và khoản tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá luôn được “ưu tiên” cắt giảm. Bởi thực tế, đầu tư cho bóng đá vốn dĩ chỉ chưa thể tạo ra lợi nhuận.

Khủng hoảng kinh tế “gõ cửa” các đội bóng V-League

Quảng Ninh là đội bóng đầu tiên trở thành nạn nhân của câu chuyện này. Đội bóng đang là đương kim hạng ba V-League bỗng chốc gặp khó để rồi phải tuyên bố giải thể trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Đáng nói, từ khi trở lại V-League (năm 2014), Than Quảng Ninh luôn được xem là đội bóng giàu có, do họ luôn được chống lưng bởi những công ty giàu tiềm lực, ông bầu giàu có. 

Sự xuất hiện của "ông bầu" Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (Hà Giang Gold Corp) biến đội bóng đất mỏ trở thành điểm đến của những ngôi sao hàng đầu với khoản lót tay khủng.

Tuy nhiên, trước những khó khăn của nền kinh tế, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp của ông Hùng kinh doanh không mấy khả quan. Doanh nghiệp báo lỗ liên tiếp trong hai năm 2016-2017, lần lượt là -16,9 và -18,7 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu 12,22 tỷ đồng và lãi vỏn vẹn 68 triệu đồng.

Trước tình cảnh đó, việc tạm dừng đầu tư vào câu lạc bộ Quảng Ninh là điều như đã được dự báo.

Chưa đầy nửa năm sau màn ra mắt hoành trang, cuộc khủng hoảng tài chính ở câu lạc bộ Cần Thơ với số tiền nợ lương, thưởng, lót tay, tiền ăn... lên đến chục tỷ đồng kéo dài từ tháng 7 đang lên đến đỉnh điểm, khi nhà tài trợ được cho là đã "bỏ của chạy lấy người". Tiếp tục duy trì và thi đấu hết mùa giải 2022, nhưng câu chuyện tiếp theo của đội bóng này đang là dấu hỏi lớn.

Câu lạc bộ Sài Gòn sau nhiều lùm sùm về tài chính, đang có nhiều tin độn cũng sẽ ngừng hoạt động từ mùa giải 2023. Trước đó, một đại gia bất động sản cũng là nhà “bảo trợ” cho đội bóng này, tuy nhiên hiện doanh nghiệp cũng gặp khó và rút lui.

Nhưng câu chuyện cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của khủng hoảng kinh tế đến bóng đá Việt Nam là việc đại gia TopenLand Bình Định mới đây đã gửi đơn “kêu cứu” lên lãnh đạo tỉnh này.

Sau mùa giải 2020, đội bóng miền Trung nhận gói tài trợ siêu khủng 300 tỷ đồng cho 3 mùa giải từ một doanh nghiệp bất động sản. Từ một đội bóng tân binh, họ nhanh chóng biến mình thành gã nhà giàu và thách thức mọi đối thủ. Nhưng niềm vui ấy cũng chẳng tày gang, khó khăn trong kinh doanh, mới đây nhà tài trợ của họ đã phải cắt giảm chi phí, trong đó một phần khoản tài trợ cho đội bóng này bị giảm, họ lập tức gặp khó. Thậm chí, họ đang phải đối diện nguy cơ ngừng hoạt động với khoản nợ lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Diễn biến sinh tồn ở Quảng Ninh, xét trên một thời gian dài, khiến người ta phải suy nghĩ: Tại sao qua bao nhiêu đó thời gian, bao nhiêu bài học, nhưng cái cách để giữ sự tồn tại của mình đối với các câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam lại chẳng hề thay đổi? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóng đá Việt Nam và hệ lụy từ sự khó khăn của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO