Bộ Y tế làm rõ quy định kiểm tra Nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu
Ngày 15/5, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có thông tin chính thức liên quan đến việc kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Động thái này nhằm giải đáp kịp thời các thắc mắc từ phía doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong bối cảnh nhiều đơn vị gửi công văn yêu cầu làm rõ quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu thực phẩm.
Theo Thông tư số 15/2024/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 19/9/2024, danh mục các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm và vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.
Những sản phẩm thuộc danh mục này sẽ phải thực hiện kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu, nếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Đối với phụ gia thực phẩm có tên trong danh mục của Thông tư 15/2024, các tổ chức và cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra Nhà nước theo quy định.
![2024] Quy định lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm mới nhất](https://dnsg.1cdn.vn/2025/05/15/vietnamcleanroom.com-vcr-media-24-1-9-_quy-dinh-lay-mau-kiem-nghiem-thuc-pham-2.jpg)
Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm nằm trong danh mục nêu trên nhưng chỉ được sử dụng làm nguyên liệu thực phẩm, không nhằm mục đích sử dụng như phụ gia hay chất hỗ trợ chế biến, thì sản phẩm đó không thuộc diện phải kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.
Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh rằng, đối với các sản phẩm nhập khẩu chỉ phục vụ cho mục đích sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu hoặc sử dụng nội bộ trong doanh nghiệp không tiêu thụ tại thị trường trong nước sẽ được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
Đồng thời, nhóm sản phẩm này cũng được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp có cảnh báo từ cơ quan chức năng về nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Trường hợp sản phẩm được nhập khẩu với mục đích sử dụng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Hồ sơ và trình tự đăng ký công bố sản phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định. Việc tiếp nhận hồ sơ sẽ do cơ quan có thẩm quyền đảm nhiệm, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 và khoản 5 Điều 37 của văn bản nêu trên.
Đáng lưu ý, đối với những sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, doanh nghiệp sẽ được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu, trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Liên quan đến việc xác định mã số hàng hóa, Cục An toàn thực phẩm khuyến nghị các tổ chức và cá nhân nhập khẩu nên trực tiếp liên hệ với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt trong trường hợp phát sinh khác biệt hoặc chưa thống nhất về phân loại và xác định mã số sản phẩm.