Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam không thiếu nguồn cung xăng dầu

T.H.G| 23/10/2022 06:59

Sáng 22/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải thích hiện tượng một số cửa hàng bán xăng dầu đóng cửa trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam không thiếu nguồn cung xăng dầu

Theo ông Diên, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đối diện với tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt thì tại Việt Nam giá lại ổn định. Cụ thể, giá xăng dầu Việt Nam duy trì ở ngưỡng 21.000 - 25.000 đồng/lít, cao nhất ở thời điểm này là 23.000 đồng/lít, được xem là mức giá thấp nhất trong khu vực và cả thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu. Tính đến ngày 30/9/2022, lượng hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 2,5 triệu khối. Ngoài ra, năng lực sản xuất của 2 nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng. Như vậy Việt Nam đã có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10. Lượng dự trữ này hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11.

Nguồn cung không thiếu, tuy nhiên, việc bán ra thị trường lại gặp khó. Ông Diên cho biết, ở kỳ điều hành trước, nhiều doanh nghiệp nhập xăng dầu với giá cao, nhưng khi đưa về Việt Nam thì lại bán trong kỳ với giá thấp, khiến cho họ bị lỗ. 

Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức đã lỗi thời, lạc hậu. Đơn cử, chi phí bảo quản xăng dầu theo định mức được xây dựng từ năm 2003 là 30 đồng/lít nhưng đến bây giờ đã tăng lên gấp nhiều lần nên gây áp lực cho doanh nghiệp.

Về việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa chủ yếu tập trung ở TP.HCM và khu vực phía Nam, ông Diên giải thích, thời gian trước đây, những khu vực này xuất hiện tình trạng xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Trước tình hình đó, người kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu sẽ không quan tâm đến chi phí định mức, chiết khấu và cũng không quan tâm đến chuyện mua của ai một cách ổn định. Do vậy, khi cơ quan chức năng siết chặt xăng dầu lậu thì chỉ còn xăng dầu chính thống duy trì bán hàng. Song, nguồn cung xăng dầu chính thống trên thế giới lại thiếu, giá tăng cao, chiết khấu thấp gây khó cho doanh nghiệp.

Mặt khác, những lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản cũng hút một lượng vốn nhất định của các doanh nghiệp trong đó có một số doanh nghiệp xăng dầu dẫn tới nguồn tiền bị vơi đi. Cho nên đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không còn tiền để nhập hàng.

Ngoài ra, room tín dụng được quy định khi giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60USD/thùng, song hiện tại, giá đã thay đổi nhiều, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần nhưng room tín dụng vẫn không đổi. Điều này cũng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Một lý do khác được ông Diên đề cập là trước đây, các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực có nhiều nguồn cung xăng dầu, cùng một lúc ký với rất nhiều doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, sau khi ký xong, các doanh nghiệp này không nhập xăng dầu thì doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam không thiếu nguồn cung xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO