Trong nước

Bộ Tài chính đề xuất hai phương án giảm thuế cho khô dầu đậu tương

Thanh An 29/11/2023 12:02

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Đặc biệt, Bộ Tài chính đang xem xét việc điều chỉnh thuế suất nhập khẩu mặt hàng khô dầu đậu tương.

soybean_oil_meal_beans_0.jpg

Được biết, khô dầu đậu tương là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, và cơ bản là một trong những sản phẩm quan trọng để đảm bảo nhu cầu lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam, ước tính khoảng 33 triệu tấn/năm.

Hiện tại, Việt Nam đã có nhà máy sản xuất được khô dầu đậu tương. Tuy nhiên, sản lượng khô dầu đậu tương chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, tương đương với 35% nhu cầu. Phần còn lại phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng khô dầu đậu tương chịu thuế suất MFN đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường Argentina, chiếm 58% tổng trị giá nhập khẩu; Brazil chiếm 29% tổng trị giá nhập khẩu; Ấn Độ chiếm 12% tổng trị giá nhập khẩu.

Trước đó, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn khô dầu đậu tương, trị giá kim ngạch nhập khẩu chịu thuế suất MFN đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

Do sản lượng khô dầu đậu tương phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và một số hiệp hội đã kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%.

Trước vấn đề trên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 26, Bộ Tài chính cho biết, cơ bản mức thuế suất MFN các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều đã ở mức rất thấp để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với khả năng đáp ứng thị trường. Đối với mặt hàng khô đậu tương, đã sản xuất được 35% nhu cầu, nên mức thuế suất MFN 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất, khuyến khích ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu, cũng như hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Song song với đó, việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hướng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Do đó, với thuế suất đối với mặt hàng khô dầu đậu tương, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án 1: giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành. Phương án 2: điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 1%.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, phương án 1 có ưu điểm là góp phần ổn định chính sách, không xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Mức thuế suất MFN 2% (so mới mức trần WTO 5%) là hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp trong nước tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa đáp ứng được kiến nghị của một số bộ, hiệp hội và doanh nghiệp trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Riêng về phương án 2 sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất khô dầu đậu tương trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giảm chi phí, chủ động nguồn cung. Việc giảm thuế suất MFN xuống 1% thay vì 0% vẫn tạo dư địa đàm phán cho các FTA mà Việt Nam sẽ ký kết trong tương lai, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, thực hiện phương án 2 dự kiến sẽ làm giảm số thu NSNN khoảng 520 tỷ đồng/năm (bao gồm thuế nhập khẩu và thuế GTGT), thấp hơn so với mức giảm số thu NSNN 1.040 tỷ đồng/năm (bao gồm thuế nhập khẩu và thuế GTGT) trong trường hợp giảm mức thuế suất MFN xuống 0% như kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án giảm thuế cho khô dầu đậu tương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO