Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên |
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại việc kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ngoài nguyên nhân khách quan là tác động của dịch Covid-19, ông Nên cho rằng còn những nguyên nhân chủ quan. Ông đề nghị phải nhìn kỹ lại, đánh giá yếu tố chủ quan. Ông nhấn mạnh: "Không phải cái gì cũng đổ cho dịch Covid-19, như vậy là oan cho dịch".
Về nhiệm vụ cấp bách thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị việc đầu tiên là thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
"Từng bước mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, không nôn nóng nhưng không để lỡ cơ hội. Nếu đã tăng tốc chiến đấu 200% trong thời gian có dịch, bây giờ cần tăng tốc trở lại đường băng với tốc độ như thế, không được chậm trễ", Bí thư chia sẻ.
Bí thư giao ngành y tế TP trước mắt chuẩn bị nhân sự, điều kiện để tiếp nhận, thay thế công việc khi các lực lượng tăng cường chống dịch bàn giao lại. TP cần chuẩn bị các kế hoạch, kịch bản, tình huống, kể cả tổ chức diễn tập cho giai đoạn nới lỏng giãn cách.
“Lần trước chúng ta bị động, lúng túng vì thiếu chiến lược, thiếu kịch bản", ông Nên nói. Do đó lần này TP phải chuẩn bị ngay kế hoạch, đưa ra những tình huống diễn tập phòng khi tình huống xảy ra. TP cần chuẩn bị một số đội lưu động đủ lực lượng, thiết bị y tế sẵn sàng ứng phó dập dịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng việc quản lý giai đoạn nới lỏng giãn cách chắc chắn sẽ không thể kiểm soát được nghiêm ngặt. F0 sẽ xuất hiện ở nơi sản xuất, cửa hàng, công viên... "Những nơi có nguy cơ thành ổ dịch lớn, phải có lực lượng dập tắt ngay, không để lây lan gây quá tải y tế như trước. Chuẩn bị thuốc, vaccine, test nhanh để sẵn sàng thực hiện khi cần thiết", ông Nên lưu ý.
Đánh giá kết quả chống dịch thời gian gần đây đạt nhiều khả quan, đặc biệt số tử vong hàng ngày đã giảm ở mức 2 con số, trên dưới 60 ca, ông Nên cho rằng con số này có thể vẫn cao, nhưng so với lúc cao điểm cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống. Tuy nhiên, khi nào không còn ca tử vong mới đúng với nguyện vọng và yêu cầu của TP.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI mở rộng |
Về các chiến lược xã hội trọng yếu, Bí thư cho biết hội nghị đã thống nhất với đề xuất tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch và đề nghị nghiên cứu thực hiện. Vấn đề thứ hai, TP, cần tập trung triển khai kế hoạch chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn.
Thứ ba, TP cần có kế hoạch tri ân cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu, lực lượng vũ trang, cán bộ y tế cơ sở, tình nguyện viên đã nỗ lực dũng cảm, hy sinh; các nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm đã âm thầm, lặng lẽ, vượt khó khăn chung tay cùng TP. TP sẽ nghiên cứu phát động đợt cao điểm TP.HCM tri ân từ nay đến Tết Nguyên đán.
Thời gian tới, TP tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm an sinh, tập trung rà soát, không để sót trường hợp khó khăn; kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm thiếu tinh thần trách nhiệm, để nhân dân khó khăn cùng cực.
Nhìn lại các đợt hỗ trợ gói an sinh vừa qua, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định chỉ có đợt đầu là tương đối ổn. Các đợt sau thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề, từ quyết định ở trên, cho đến danh sách xét duyệt ở dưới. Có lúc số lượng tăng bất ngờ.
"Chúng ta xét trường hợp người thực sự khó khăn, không thể vươn lên được, không có người giúp đỡ thì nhanh chóng hỗ trợ. Hệ thống chính trị cơ sở sát dân mới hiểu ai thực sự khó khăn để lên danh sách, xét duyệt cho hưởng gói hỗ trợ. Đừng để người ta hiểu lầm rằng đó là tiêu chuẩn cho mỗi người khi thực hiện giãn cách", ông khuyến cáo.
Bí thư cũng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động để người dân yên tâm ở lại TP và tổ chức cho dân về quê chu đáo. Ông nhìn nhận đây là vấn đề căng thẳng suốt thời gian qua và lực lượng chức năng, công an rất khó khăn trong thuyết phục người dân. Bí thư nhắc nhở các cấp chính quyền cần đối xử với người dân như người thân để tìm ra giải pháp.