Bí quyết để Kraft Heinz nuôi dưỡng Gen Z
Gen Z muốn tạo ra sự thay đổi, nhưng không phải lúc nào cũng thích học những thứ cần để bản thân làm được điều đó, đơn giản vì chúng... chán. Dù vậy, Kraft Heinz có bí quyết để giữ chân và nuôi dưỡng các nhân sự này.
Năm nay, hơn 25% lực lượng lao động trên thế giới sẽ thuộc thế hệ Z (Gen Z), và như một lẽ đương nhiên, nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành với mục tiêu tìm ra phương pháp quản trị tối ưu dành cho lứa nhân sự này. Theo một khảo sát của Resume Builder trên hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp (DN), gần 75% nhà quản lý nhận thấy Gen Z là nhóm khó cộng tác nhất so với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Dẫn dữ liệu từ một cuộc khảo sát gần đây của Ankura (Mỹ), Fox News cho biết nhiều nhà tuyển dụng không muốn tuyển Gen Z và 58% người được hỏi thậm chí cho rằng thế hệ này chưa sẵn sàng để làm việc.
Trong một tọa đàm do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, hầu hết lãnh đạo DN được mời cũng khẳng định Gen Z có nhiều đặc điểm khiến nhà quản trị "đau đầu", vì cái tôi cao và nhiều tính cách khác, dù đây là thế hệ vàng có sức trẻ, tài năng và thừa khả năng tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, Rodolfo Camacho - Giám đốc Nhân sự (CPO) khu vực quốc tế của công ty thực phẩm Kraft Heinz, dường như không nằm trong số lãnh đạo "đau đầu" với Gen Z, mà ngược lại tự nhận bản thân có đam mê trong quản lý nhân sự thuộc thế hệ này, tin rằng họ "thúc đẩy tất cả trở nên tốt hơn". Và, có 3 nguyên liệu đằng sau bí quyết giúp Camacho lẫn công ty của ông giữ chân cũng như nuôi dưỡng nhân sự Gen Z.
Cho thấy hệ giá trị tương đồng
Theo Camacho, một điểm nổi bật của Gen Z - những nhân sự ít tuổi nhất tại nơi làm việc của Kraft Heinz, là họ mang đến góc nhìn rất cụ thể cho hoạt động kinh doanh. "Họ rất nhiệt huyết. Họ mang đến nhiều ý tưởng mới và đặt ra những câu hỏi hóc búa," vị CPO nói. Phần lớn điều này xuất phát từ mong muốn của Gen Z là được làm việc cho một DN có cùng hệ giá trị, và 48% sẽ từ chối làm việc cho nơi nào không có mục tiêu xã hội và môi trường rõ ràng, theo một khảo sát từ Regus (Bỉ).
Tại Kraft Heinz, điều này được phản ánh qua thực tế là hầu hết nhóm thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới, sức khỏe tâm thần của nhân viên... đều do nhân sự Gen Z lãnh đạo. Bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý từ Gen Z, Kraft Heinz vào tháng 5/2022 đã giới thiệu thiết kế chai đựng tương cà bằng giấy đầu tiên được làm từ 100% bột gỗ có nguồn gốc bền vững và có thể thay thế chai thủy tinh.
Hai tháng sau đó, Gen Z Brand Tracker - báo cáo hằng quý theo dõi chỉ số tài sản thương hiệu dựa trên người tiêu dùng Gen Z của Ad Age, cho thấy tài sản thương hiệu của Kraft Heinz đã tăng 5,7 điểm so với 3 tháng trước đó. Dù nhiều người Mỹ quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, Gen Z thường có ý thức xã hội hơn, tập trung vào phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu hơn các thế hệ trước. "Họ không muốn làm việc cho một DN chỉ tập trung vào kiếm tiền. Gen Z muốn tạo ra sự ảnh hưởng", Camacho nói.
Nhảy việc nội bộ và cải thiện cơ hội phát triển kỹ năng
Theo Camacho, nhân sự gen Z có sự lo lắng về việc phải tăng trưởng và phát triển nhiều hơn so với các thế hệ khác. "Họ bị thúc giục bởi việc phải nhanh chóng đạt mục tiêu đến nỗi không muốn dành quá nhiều thời gian khi bắt đầu sự nghiệp để học cách làm những điều cơ bản", vị CPO nói. Nói cách khác, dù khát khao tạo ra sự thay đổi, Gen Z không phải lúc nào cũng muốn học những thứ nhàm chán giúp họ đạt được điều đó.
Giải quyết vấn đề này, Kraft Heinz triển khai Chương trình thực tập sinh sản xuất và Quản lý quốc tế (IMMT), khuyến khích đào tạo toàn diện và "nhảy việc" trong nội bộ DN. Theo đó, học viên của IMMT có thể đi đến tất cả khu vực trong tổ chức, luân phiên giữa bán hàng, marketing và vận hành, qua đó giúp họ có cơ hội thử sức tại các vai trò khác nhau và thường xuyên được tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao. Ngoài ra, quy mô toàn cầu của Kraft Heinz cũng là tiền đề tuyệt vời để văn hóa nhảy việc nội bộ này phát huy hiệu quả tối đa.
Trên thực tế, cách tiếp cận của Camacho và IMMT đã làm tăng tỷ lệ giữ chân nhân sự, đặc biệt là nhân sự Gen Z, trong 3 năm qua tại Kraft Heinz và giúp công ty được vinh danh là nơi làm việc tuyệt vời tại 16 quốc gia mà nó có mặt, với 72% nhân sự tán thành. "Nếu một nhân sự có tài, sống theo các giá trị của chúng tôi và sẵn sàng học hỏi, thì chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ cho họ tiếp tục công việc tại DN. Trong một số trường hợp, điều này đồng nghĩa với việc cân nhắc cơ hội việc làm tại các vai trò và thị trường khác nhau - một trong nhiều lợi thế khi làm việc tại một DN toàn cầu", Camacho nói.
Ngoài đào tạo nhân sự, Kraft Heinz còn tiến hành nhiều hoạt động khác để tạo ra cơ hội phát triển kỹ năng toàn diện cho Gen Z. Công ty xây dựng hẳng một trung tâm học tập trực tuyến toàn cầu với tên gọi Ownerversity, và cấp quyền cho nhân viên truy cập mọi thứ để tự học, từ các học viện chức năng của nội bộ (gồm tài chính, công nghệ thông tin, quản lý mua sắm), học viện văn hóa, lãnh đạo, cho đến các nguồn bên ngoài như Tạp chí Harvard Business Review.
Hơn nữa, Kraft Heinz cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện khả năng nhảy việc nội bộ và phát triển kỹ năng. Hiện, công ty đã đầu tư vào một nền tảng thị trường nhân tài cho phép mọi người lập kế hoạch cho lộ trình sự nghiệp của bản thân. Sau khi đặt mục tiêu, trí tuệ nhân tạo sẽ tự đề xuất các vị trí còn trống thuộc nội bộ tổ chức có thể giúp phát triển kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu.
“Khi nhìn vào lý do mọi người rời đi, thường thì đó là do không có cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Điều đó cho thấy nếu tập trung cải thiện mức độ tương tác (của nhân sự với công việc) và thực hiện các thay đổi đúng đắn, DN có thể giữ chân nhân tài bất chấp thị trường khó khăn”, Camacho nói.