Văn hóa nghệ thuật

Bí mật đằng sau những ca khúc nổi tiếng Kỳ 2: Nàng thơ “kiếp nào có yêu nhau” của Phạm Duy

Hà Đình Nguyên 15/11/2024 06:30

Trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy, dù chỉ có ba lần gặp gỡ một người phụ nữ xinh đẹp và tài hoa, ông đã cảm được rồi phổ nhạc hai bài thơ của người ấy và đã để lại cho đời hai ca khúc bất hủ…

Minh Đức Hoài Trinh, tên khai sinh là Võ Thị Hoài Trinh. Cô còn dùng một số bút hiệu khác như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh và Bằng Cử.

Cô tiểu thư khuê các trở thành nữ điệp báo

Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại trong hồi ký rằng lần đầu ông gặp cô gái có cái tên thật ấn tượng “Hoài Trinh” như sau: “Tôi may mắn được quen biết mấy chị em trong một gia đình quyền quý ở Huế, năm 1944, và được mời tới dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi. Trong số đó có một cô gái rất trẻ tên là Võ Thị Hoài Trinh. Cô này còn làm thơ, lấy bút danh Minh Đức Hoài Trinh. Mỗi lần trong âm nhạc, muốn xưng tụng rõ ràng cái nên thơ, cái lãng mạn, cái vui ngộ nghĩnh, cái buồn dìu dịu của Huế là tôi chỉ cần nhớ lại hình ảnh, cử chỉ, thái độ của những thiếu nữ họ Võ mà tôi đã từng được hạnh phúc làm quen. Nhiều năm trôi qua, thế mà tôi còn nhớ mãi một buổi sáng mùa hè, qua đò sông Hương, với hai chị em Băng Thanh và Hoài Trinh để tới chợ Đông Ba. Leo lên bờ trước hai thiếu nữ, giơ tay ra kéo các cô lên thì gặp phải đôi mắt Hoài Trinh 16 tuổi...”.

van-hoa-giai-tri_dung-nhin-em-nua-anh-oi_h1.jpg
Minh Đức Hoài Trinh trên đường phố Paris. Ảnh tư liệu

Khi ấy Hoài Trinh là một tiểu thư, con của quan Tổng đốc Quảng Nam (ông nội là Xuân Hòa hầu Võ Liêm - Thượng thư Bộ Lễ dưới hai triều Khải Định và Bảo Đại).

Năm 1947, Hoài Trinh ra Thanh Hóa để vào chiến khu kháng Pháp. Đây là lần thứ hai Phạm Duy gặp lại về nàng, ông viết: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân… bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được 17 tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ Tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con… ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam Bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thai Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ...” (trích Vang vọng một thời - hồi ký Phạm Duy).

Sau một thời gian gặp gỡ, tiếp cận với Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo, cô nữ điệp báo nảy nở tình cảm. Hậu quả là nàng mang thai trong khi đối tượng đã có vợ con đề huề.

Với sắc đẹp quý phái và trí thức (cô được cha mời thầy dạy riêng và thông thạo Anh, Pháp, Hoa ngữ) nên tổ chức đã huấn luyện và phân công cô trở lại Huế, tiếp cận Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo (vợ ông Giáo là chị ruột bà Phi Ánh, thứ phi của vua Bảo Đại).

Tuy nhiên sau một thời gian gặp gỡ, tiếp cận, điều không ai ngờ là giữa cô nữ điệp báo và đối tượng chính khách đã nảy nở tình cảm. Hậu quả là nàng mang thai trong khi đối tượng đã có vợ con đề huề. Ôm mối tình tuyệt vọng, gia đình đã thu xếp cho nàng qua Pháp.

Câu chuyện này được người cháu ruột của Minh Đức Hoài Trinh là PTH kể lại trong một bài viết của ký giả Trịnh Thanh Thủy. Người cháu ruột này còn cho biết người con gái của Hoài Trinh và Phan Văn Giáo sau đó sống tại Paris rồi đi tu.

Đừng nhìn em nữa anh ơi!

Ở Pháp, Minh Đức Hoài Trinh trút nỗi niềm tâm sự bằng cách làm thơ. Đó là những bài thơ mang giọng điệu đầy u uẩn, chán chường, trách móc… Nếu ở bài Đừng bỏ em một mình là cảm thán cho một nhan sắc xác ướp 700 năm trước nay chỉ còn một mái tóc óng ả trong viện bảo tàng Paris thì ở bài thơ Kiếp nào có yêu nhau, Minh Đức Hoài Trinh gởi một lời trăn trối, ray rứt đớn đau cho chính mối tình của mình:

van-hoa-giai-tri_dung-nhin-em-nua-anh-oi_h2.jpg
Minh Đức Hoài Trinh bên cha mẹ

Anh đừng nhìn em nữa/ Hoa xanh đã phai rồi/ Còn nhìn em chi nữa/ Xót lòng nhau mà thôi…/ Người đã quên ta rồi/ Quên ta rồi hẳn chứ/ Trăng mùa thu gãy đôi/ Chim nào bay về xứ?.../ Chim ơi có gặp người/ Nhắn giùm ta vẫn nhớ/ Hoa đời phai sắc tươi/ Đêm gối sầu nức nở…/ Kiếp nào có yêu nhau/ Nhớ tìm khi chưa nở/ Hoa xanh tận nghìn sau/ Tình xanh không lo sợ…/ Lệ nhoà trên gối trắng/ Anh đâu, anh đâu rồi/ Rượu yêu nồng cay đắng/ Sao cạn mình em thôi?

Năm 1954, nhạc sĩ Phạm Duy sang Paris và đây là lần thứ ba ông gặp lại người phụ nữ tài sắc này. Được nàng cho xem một số bài thơ, ông đã chọn và xin phép được phổ nhạc hai bài thơ Đừng bỏ em một mìnhKiếp nào có yêu nhau.

Nếu so sánh với nguyên tác bài thơ với ca khúc, chúng ta sẽ thấy được sự tài hoa của nhạc sĩ khi ông cảm nhận được “hồn cốt” của bài thơ rồi đặt mình vào tâm cảnh của tác giả để vận dụng ngôn ngữ thi ca và âm nhạc khiến cả thơ và nhạc đều thăng hoa, xứng đáng là những tuyệt tác.

Hãy nghe Phạm Duy “chuyển ngữ” từ các câu thơ thành lời hát: Đừng nhìn em nữa anh ơi! Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi. Đừng nhìn em! Đừng nhìn em nữa anh ơi! Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười… Hẳn người thôi đã quên ta! Trăng thu gãy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ. Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta. Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ. Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau. Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ. Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau. Anh đâu, anh đâu rồi? Anh đâu, anh đâu rồi?

So với nguyên tác, Phạm Duy không chỉ sửa hoặc hoán đổi vị trí của một vài câu chữ mà ông còn thêm vào những “câu thơ” không hề hiện diện trong bài thơ gốc, như “Đôi mi đã buông xuôi. Môi răng đã quên cười…” mà người hát không hề biết là do nhạc sĩ thêm thắt.

---------------------------------------------------

Kỳ 3: Hé lộ chuyện rất buồn của "Chuyện tình buồn"

Đã 70 năm, từ khi hai bài thơ Đừng bỏ em một mình và Kiếp nào có yêu nhau của Minh Đức Hoài Trinh được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc, thời gian đó là cả một đời người, hiện tại (2024) cả nhạc sĩ lẫn nhà thơ đã không còn (bà sinh năm 1930 tại Huế, mất năm 2017 tại Pháp), nhưng chắc chắn cái tên Minh Đức Hoài Trinh sẽ sống mãi theo thời gian qua hai ca khúc được Phạm Duy phổ nhạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí mật đằng sau những ca khúc nổi tiếng Kỳ 2: Nàng thơ “kiếp nào có yêu nhau” của Phạm Duy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO