Năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam (VN) sang Trung Quốc (TQ) chỉ khoảng 250.000 tấn nhưng từ năm 2012 đến nay, TQ đẩy mạnh nhập trên 2 triệu tấn mỗi năm (theo đường chính ngạch), khoảng 1 triệu tấn theo đường tiểu ngạch. Nhiều doanh nghiệp xem đó như một chiếc phao cứu thị trường lúa gạo èo uột trong nước. Tuy nhiên, lý do tăng nhập khẩu gạo từ VN của TQ ẩn chứa hậu quả khôn lường cho phía VN.
Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Đình Bích, TQ tăng nhập gạo không phải vì thiếu gạo. Dự trữ gạo của nước này hiện lên tới 117 ngày so với mức trung bình 71 ngày của thế giới. Giá gạo bán lẻ tại 50 thành phố lớn của TQ tăng từ 570 USD/tấn hồi năm 2009 lên tới 970 USD/tấn trong những tháng đầu năm nay.
Trong khi đó họ nhập gạo từ VN chỉ với giá từ 431 - 419 USD/tấn. So với Thái Lan, giá gạo VN rẻ hơn và chi phí vận chuyển cũng thấp hơn khoảng 10 USD/tấn. Theo dự báo của các tổ chức lương thực lớn trên thế giới, năm nay TQ sẽ tiếp tục nhập khẩu khoảng trên 3 triệu tấn gạo. Trong số đó, nhiều khả năng có trên 2 triệu tấn nhập từ VN.
Giám đốc Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) Hồ Minh Khải cho rằng, việc chúng ta quá chú trọng vào số lượng đã trở thành điểm yếu để TQ khai thác trong mấy năm qua. Chúng ta đẩy mạnh tăng vụ, khai thác tài nguyên quá mức nhưng nông dân không được lợi, do được mùa thì thương nhân TQ tìm cách làm giá để trục lợi. Người TQ vào tận đồng ruộng, nắm lịch thời vụ, tình hình thị trường… còn rõ hơn cả người VN. Từ đó ép giá, mua rẻ.
Nhưng rủi ro lớn nhất là TQ có thể ngưng mua bất cứ lúc nào. Vì như đã nói, họ tăng cường nhập khẩu gạo của VN không phải vì thiếu lúa gạo mà chỉ là “khai thác tài nguyên giá rẻ”. Nếu họ ngưng đột ngột như cách vẫn làm với nhiều loại nông sản khác, chúng ta sẽ cực kỳ rủi ro.
Lối thoát TPP
Theo các chuyên gia thị trường, xuất khẩu gạo đang có cơ hội lớn khi VN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi nhiều nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ không có mặt trong sân chơi này, trong khi một số nước nhập khẩu gạo với số lượng lớn như Malaysia, Singapore, Úc… lại tham gia TPP. Có thể nói chỉ VN là nước xuất khẩu gạo trong khu vực TPP. Đây là cơ hội lớn để các DN dịch chuyển sang các thị trường ngoài TQ. Điều cốt yếu là TPP đòi hỏi cao hơn về chất lượng mà chúng ta cần phải đáp ứng mới tận dụng được lợi thế này.
>Xuất khẩu gạo: Chưa thể thiếu hàng xáo >Việt Nam có thể vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo >Xuất khẩu gạo: Bế ngoại, tắc nội >Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc: Rủi ro cao >Xuất khẩu gạo: Khó khăn còn dài? |
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) đưa ra một đề xuất táo bạo và cụ thể hơn. Đó là Chính phủ mạnh dạn đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu gạo dài hạn với các khách hàng lớn. Thị trường gạo phân thành 2 nhóm chính là các nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia… hay các nước tiêu thụ gạo chất lượng cao như Nhật, Mỹ, Úc…
Chúng ta nên đàm phán cung cấp gạo theo yêu cầu của từng thị trường cụ thể. Ví dụ như Philippines trung bình mỗi năm nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo, số lượng này chỉ cần một tỉnh ở ĐBSCL là đủ năng lực cung ứng.
Chính phủ sẽ đàm phán và chọn một địa phương có sản lượng lúa gạo tương ứng để chuyên cung cấp cho thị trường này. Trong địa phương đó sẽ chọn ra một doanh nghiệp đủ năng lực có nhiệm vụ tổ chức sản xuất, thu mua lúa cho nông dân và xuất khẩu sang thị trường duy nhất đó.
Ở các thị trường khó tính cũng làm theo hình thức tương tự, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn của họ. Như vậy sẽ triệt tiêu được tình trạng sản xuất manh mún mỗi người một giống và cạnh tranh trong tiêu thụ, lại xây dựng được thị trường một cách bền vững.
“An ninh lương thực là vấn đề mà nhà nước nào cũng phải đặt lên hàng đầu vì vậy vấn đề là cách thức chúng ta làm như thế nào để thuyết phục được họ ký hợp đồng dài hạn với ta. Như vậy, không chỉ giải quyết bài toán của ngành lúa gạo mà thương lái TQ cũng không còn cơ hội gây rối thị trường”, TS Ni khẳng định.