Start up

Bắt bệnh để startup không… chết yểu

TS. Nguyễn Hữu Thi (*) 28/11/2024 11:00

Mô hình đột phá như đại học khởi nghiệp được kỳ vọng khắc phục những điểm yếu “chí mạng” còn tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam thường đối mặt với nhiều thách thức lớn dẫn đến tỷ lệ thất bại cao. Theo khảo sát, hơn 90% startup không trụ vững qua giai đoạn đầu, trong đó các nguyên nhân phổ biến liên quan đến chiến lược kinh doanh, tài chính và quản trị dài hạn.

Sai lầm khi tập trung quá vào sản phẩm

Một trong những sai lầm phổ biến là sự tập trung quá mức vào sản phẩm. Các nhà sáng lập thường dành phần lớn nguồn lực để phát triển sản phẩm mà bỏ qua những công việc khác. Khi sản phẩm không đạt kỳ vọng của thị trường, doanh nghiệp thường rơi vào tình trạng thiếu vốn, mất phương hướng và khó khăn trong mở rộng.

Cộng thêm việc các doanh nghiệp start up còn non trẻ nên kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng. Điểm “chí mạng” về quản trị thường gặp ở ba khía cạnh:

dai-hoc-khoi-nghiep_hinh-.jpg
Thay vì tập trung vào lý thuyết khô khan, các chương trình tại các trường đại học khởi nghiệp chú trọng đến việc đưa các tình huống thực tế vào giảng dạy

Thứ nhất, thiếu kỹ năng quản trị tài chính. Họ thường phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dòng tiền, không có kế hoạch rõ ràng cho việc huy động vốn hay sử dụng vốn vay. Điều này khiến cho các quyết định tài chính dễ bị cảm tính, thiếu tính toán dài hạn và có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng về tài chính khi thị trường hoặc nhu cầu khách hàng thay đổi. Một trường hợp khác, start up bị lệ thuộc quá nhiều vào một vài nhà đầu tư chính, khi nguồn vốn không được quản lý hiệu quả, nguy cơ “đứt gánh”, cạn kiệt tài chính là rất cao.

Thứ hai, họ thường không thiết lập được kế hoạch dự phòng khi gặp thất bại trong giai đoạn đầu, nói cách khác là yếu về năng lực quản trị rủi ro. Việc thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tình huống không mong muốn như khủng hoảng tài chính, thay đổi quy định pháp lý, hay sự thay đổi trong nhu cầu của thị trường có thể làm doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự. Việc thiếu kỹ năng lãnh đạo và không tạo được môi trường làm việc hấp dẫn khiến họ khó giữ chân nhân tài, làm giảm khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, ở các lĩnh vực công nghệ cao, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng càng khiến doanh nghiệp dễ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đổi mới.

Thực hành trực tiếp với các dự án khởi nghiệp

Viện công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ), là một minh chứng điển hình rằng các trường đại học theo xu hướng và mô hình khởi nghiệp có thể tạo ra các startup đổi mới sáng tạo thành công toàn cầu.

Mô hình “đại học khởi nghiệp” được kỳ vọng là giải pháp quan trọng giúp khắc phục những yếu điểm trên.

Một trong những cách mà các trường đại học khởi nghiệp khắc phục những điểm yếu của doanh nghiệp khởi nghiệp là tạo ra không gian khởi nghiệp ngay trong trường học. Tại đây, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn có thể thực hành trực tiếp với các dự án khởi nghiệp.

Chương trình Quỹ đổi mới MIT Sandbox là một điển hình, cho phép sinh viên tham gia trực tiếp vào các dự án khởi nghiệp, với sự hỗ trợ từ các cố vấn giàu kinh nghiệm, quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đối tác. Sinh viên có thể thử nghiệm ý tưởng khởi nghiệp của mình trong một môi trường thực tế, được cấp vốn ban đầu để triển khai ý tưởng và nhận sự hướng dẫn từ các nhà sáng lập và chuyên gia trong ngành. Những cơ hội như vậy tạo ra một môi trường học tập thực tiễn, nơi các sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế, đồng thời rút ra những bài học quý giá từ những thất bại và thành công trong quá trình khởi nghiệp.

Việc kết hợp chặt chẽ lý thuyết và thực hành là một yếu tố quan trọng. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn vì thiếu nền tảng kiến thức vững chắc về quản trị, tài chính và marketing. Tuy nhiên, khi lý thuyết và thực hành được kết hợp một cách hợp lý, sinh viên có thể dễ dàng áp dụng những gì đã học vào các tình huống thực tế, đồng thời nâng cao khả năng giải quyết vấn đề.

Đơn cử, các khóa học khởi nghiệp tại MIT không chỉ dạy các kiến thức cơ bản về quản trị và tài chính, mà còn đưa sinh viên vào các dự án thực tế thông qua các chương trình như “Entrepreneurship & Innovation Track”. Sinh viên không chỉ học từ sách vở mà còn tham gia vào các tình huống kinh doanh thực tế, giúp họ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và quản lý rủi ro trong môi trường kinh doanh đầy thử thách. Các trường đại học khởi nghiệp, với việc đưa lý thuyết vào các tình huống thực tế, không chỉ giảm thiểu rủi ro thất bại mà còn giúp sinh viên nhanh chóng nhận diện và xử lý các thách thức mà họ có thể gặp phải trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác mà đại học khởi nghiệp mang lại là việc đổi mới giáo trình đào tạo, tích hợp các yếu tố thực tế giúp sinh viên sớm làm quen với môi trường kinh doanh. Thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết khô khan, các chương trình đào tạo tại các trường đại học khởi nghiệp chú trọng đến việc đưa các tình huống thực tế vào giảng dạy, hoặc áp dụng mô hình “Project-based learning” (học theo dự án).

Tại MIT, Trường liên tục đổi mới giáo trình và phương pháp giảng dạy khi cần thiết để phù hợp với xu hướng thị trường. Chương trình đào tạo khởi nghiệp của MIT luôn được cập nhật với các kiến thức mới nhất về công nghệ và kinh doanh, giúp sinh viên không chỉ hiểu về lý thuyết mà còn có thể áp dụng vào các lĩnh vực mới nổi. Sinh viên không chỉ học về các khái niệm kinh tế cơ bản mà còn được tham gia vào các dự án thực tế, giúp họ hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của một doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp của cựu sinh viên MIT tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỷ USD mỗi năm. Hình dung đơn giản nhất, nếu MIT là một quốc gia thì đây chính là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Riêng trong nước Mỹ, mỗi 8 USD được làm ra có 1 USD của MIT. Từ những ý tưởng khởi đầu tại các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu của đại học khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển thành những thương hiệu hàng đầu, góp phần quan trọng vào GDP quốc gia.

(*) Chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp

Khánh Hưng ghi

Việc đưa lý thuyết vào các tình huống thực tế, không chỉ giảm thiểu rủi ro thất bại mà còn giúp sinh viên nhận diện và xử lý các thách thức mà họ có thể gặp phải khi xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt bệnh để startup không… chết yểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO