Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương |
* Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những hoạt động gì để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương, nhất là cho TP.HCM?
- Nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp tích cực với các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường.
Doanh nghiệp tham gia chương trình này đã cung ứng hàng hóa cho các địa bàn một cách linh hoạt, phù hợp với các cấp độ dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo Cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành để hỗ trợ và xử lý kịp thời những khó khăn trong cung ứng, lưu thông hàng hóa tại các địa phương có dịch.
* Thứ trưởng có thể cho biết Bộ Công Thương đã chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa như thế nào để phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần?
- Ngày 12/11/2021 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022. Chỉ thị 12 chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và những đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chuẩn bị tốt nguồn hàng và phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch Covid-19
bùng phát. Trong đó, quan trọng nhất là triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.
* Biến chủng Omicron của SARS-CoV-2 đang lây lan khá mạnh ở nhiều nước. Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng vào đúng dịp Tết 2022, kế hoạch cung ứng hàng hóa có gì thay đổi và Bộ Công Thương đã có chuẩn bị gì cho trường hợp này, thưa ông?
- Bộ Công Thương vẫn thường xuyên liên hệ với các địa phương để cập nhật tình hình nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Hiện nay, tại các tỉnh, thành đã chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm trước mọi cấp độ và diễn biến của đại dịch. Theo thường lệ, các địa phương đang xây dựng chương trình bình ổn thị trường các tháng cuối năm âm lịch và Tết Nguyên đán. Các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng dự trữ, tăng cung ứng (tăng 20-30% so với ngày thường) nên vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định.
Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có biến động, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành, đơn vị có liên quan để bảo đảm điều phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý những khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; phối hợp với doanh nghiệp phân phối lớn có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch, nếu cần.
* Cảm ơn ông!