Bản quyền nhạc trực tuyến: Câu chuyện chưa có hồi kết

LÊ PHAN| 11/01/2018 09:26

Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, âm nhạc xoay quanh iPod và iTunes, nhưng bây giờ là kỷ nguyên của nhạc trực tuyến.

Bản quyền nhạc trực tuyến: Câu chuyện chưa có hồi kết

Bước sang thập niên thứ hai, cơn bão mang tên “dịch vụ nghe nhạc trực tuyến” (streaming) tràn qua và thay đổi thói quen của người nghe nhạc lẫn người tạo ra các sản phẩm âm nhạc. Câu chuyện bản quyền nhạc trực tuyến đến giờ vẫn chưa có hồi kết, cả trên thế giới lẫn Việt Nam.

Xu thế tất yếu

Lực lượng dân số trẻ đông đảo, tỷ lệ người dùng internet và tiếp cận công nghệ ngày một tăng, lượng ca sĩ đông đảo và tần suất ra mắt các sản phẩm âm nhạc rất dày (hầu như mỗi ngày, mỗi tuần đều có), trong khi thị trường nhạc số tại Việt Nam chưa được khai phá nhiều. Những điều này cho thấy tiềm năng khai thác nhạc trực tuyến rất lớn.

Tuy nhiên, làm thế nào và mất bao lâu để tạo dựng thói quen sử dụng nhạc trả phí là câu hỏi mà những người làm dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang nỗ lực xây dựng. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như thiếu cổng thanh toán, hình thức thanh toán, ca sĩ e dè các đơn vị phát hành không phổ biến rộng rãi tác phẩm đã khiến bản quyền âm nhạc thực sự trở thành một thách thức không nhỏ.

Link bài viết

Năm 2013, sau khi không tìm được tiếng nói chung khi Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) ký hợp đồng ủy quyền cho Zing Mp3 (thông qua VNG) khai thác độc quyền toàn bộ các bản ghi âm của RIAV, các trang nghe nhạc trực tuyến như nhacso.net, nhacvui.vn, nhaccuatui.com,… đã bắt tay liên kết với SKY Music - đơn vị mới toanh về kinh doanh bản quyền nhạc số, tạo nên cuộc so kè trên thị trường nhạc trực tuyến, đối trọng với Zing Music (chiếm khoảng 50% thị phần nghe nhạc, nhaccuatui và nhacso cộng lại khoảng 40%, 10% còn lại cho các trang khác. Tuy nhiên, thị phần bản quyền của Zing là 20%, theo thống kê của Google AD Planner).

Hoạt động của SKY Music dựa theo mô hình: hợp tác và đầu tư sản phẩm âm nhạc, kết hợp với kênh phát hành online, đưa bản quyền âm nhạc đến với người nghe và phối hợp kinh doanh với những đơn vị có nhu cầu. Song song đó, SKY Music xây dựng chiến lược quảng bá, hỗ trợ các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ về mặt truyền thông, phân phối sản phẩm.

Ưu thế về mặt bản quyền đã giúp SKY Music nhanh chóng ký kết quyền tác giả, quyền liên quan các sản phẩm Audio, MV với hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi uy tín như Phú Quang, Quốc Bảo… Tính đến cuối năm 2017, đơn vị này nắm giữ 60.850 bản ghi có đầy đủ các quyền và hơn 2.000 hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, đối tác khác.

Ông Phạm Hà Anh Thủy - CEO của SKY Music chia sẻ: “Các trang nhạc số hiện nay đều nỗ lực để tồn tại thông qua việc tôn trọng bản quyền. Mô hình thường thấy là tạo doanh thu từ quảng cáo để chi trả bản quyền và duy trì hoạt động vận hành. Trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã rất quen với hình thức này và chỉ có một bộ phận rất nhỏ người nghe chấp nhận trả tiền cho tài khoản VIP”.

Tín hiệu tốt

“Rất nhiều các doanh nghiệp dù sẵn lòng tôn trọng bản quyền nhưng rất mù mờ trong hiểu biết về tác quyền và các quyền liên quan trên các bản ghi mà họ mong muốn khai thác. Ngoài ra, chưa kể tới một bộ phận hộ kinh doanh không tôn trọng bản quyền”, ông Thủy nói thêm về thực trạng bản quyền nhạc trực tuyến hiện nay tại Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là SKY Music đã ký kết hợp tác được cùng một số đối tác lớn như Lotte Mart, Aeon Mall, Cộng Café, Thế Giới Di Động…

Nói về định hướng phát triển tương lai, nhằm đảm bảo việc thực thi bản quyền và có được lòng tin từ phía các nghệ sĩ, ông Thủy cho biết: “Hiện chúng tôi cần mở rộng quy mô sang cả các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng âm nhạc như các chuỗi bán lẻ, ẩm thực, thời trang, giải trí - thường gọi là offline. Để triển khai chỉn chu trên toàn quốc, đòi hỏi sự đầu tư cao độ về tâm lực và vật lực cũng như sự rạch ròi trong các văn bản, quy định từ cơ quan quản lý nhà nước”.

Để đạt được mục đích này, hiện tại SKY Music đã ký kết với Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ và Truyền thông Aibiz (nhằm giám sát việc sử dụng âm nhạc trên các kênh truyền hình và radio dựa trên nền tảng mã nguồn mở và công nghệ tự động nhận diện âm thanh); Trung tâm Ứng dụng Công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ IPTA (triển khai việc khai thác bản quyền trong tương lai dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Big Data), nhằm xây dựng giải pháp rõ ràng về số liệu trong việc phân phối bản quyền. Theo đó, mỗi nghệ sĩ sẽ được cấp một tài khoản riêng, trực tiếp theo dõi và giám sát sản phẩm của họ được sử dụng trên những kênh nào, tần suất là bao nhiêu. Việc theo dõi này cũng giúp cho nghệ sĩ nắm được tình hình đón nhận của khán giả, bài hát nào được nghe nhiều nhất, đối tượng nghe cụ thể trong độ tuổi bao nhiêu.

Song song đó, đơn vị này còn tiến hành hợp tác với nhiều đối tác chiến lược khác như RIAV, Bến Thành Audio, Phương Nam Phim, Music Faces, Pops Worldwide, Yeah 1, Vega, Wepro… tại thị trường hải ngoại là Thúy Nga Paris để có thể trao đổi, khai thác bản quyền và sản phẩm âm nhạc trên các kênh tương ứng.

Nhạc sĩ Phú Quang đánh giá đây thực sự là một nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch - thu đúng đối tượng - trả đúng, trả đủ cho nghệ sĩ. Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết, với mô hình mới này, ông hy vọng SKY Music sớm trở thành đơn vị  chuyên nghiệp và dẫn dầu trong đảm bảo bản quyền nhạc online. 

Tuy nhiên, vẫn có nhiều băn khoăn, liệu giải pháp này của SKY Music có ảnh hưởng đến thị trường hay có mâu thuẫn trong việc phân phối hay không khi hiện nay ngoài SKY Music, còn có một số tổ chức đang đại diện cho nghệ sĩ, ca sĩ? Về vấn đề này, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đây đơn thuần là giao dịch dân sự, nên sẽ tùy vào thỏa thuận của các bên liên quan.

(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản quyền nhạc trực tuyến: Câu chuyện chưa có hồi kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO