Thời sự

Ban hành quy định quản lý, vận hành đường sắt đô thị TP.HCM

Nguyễn An 31/10/2024 - 14:40

UBND TP.HCM vừa công bố các quy định về quản lý và vận hành tuyến đường sắt đô thị, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa vào khai thác tuyến metro số 1.

Quy định được ban hành gồm có 7 chương, bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, vận hành các tuyến đường sắt đô thị (metro) như: xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải metro; vận tải hành khách; quyền và nghĩa vụ của hành khách, doanh nghiệp trong hoạt động vận tải hành khách trên metro; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan; và tổ chức thực hiện.

Theo đó, các quy định chi tiết đã được đưa ra về hệ thống vé, hành lý và quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi cho hành khách.

Cụ thể, hành khách có thể chọn giữa hai loại vé chính: vé lượt dùng cho một tuyến trong ngày và vé bán trước dành cho những ai di chuyển thường xuyên, có hiệu lực từ một ngày hoặc dài hơn.

UBND TP.HCM yêu cầu, vé điện tử đi metro phải linh hoạt ở nhiều phương thức như tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví điện tử để người dân thuận lợi khi thanh toán.

Cùng với đó, giá vé sẽ được công khai tại ga và trên trang thông tin điện tử. Hành khách đi quá số ga trên vé phải mua vé bổ sung, và chỉ được đổi hoặc trả vé chưa sử dụng. Hệ thống soát vé được thiết kế minh bạch và liên kết với hệ thống quản lý giao thông công cộng.

Các yêu cầu về hành lý cũng được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn, với quy định về kích thước, trọng lượng, cũng như xử lý hành lý nguy hiểm. Trường hợp khách không thể tiếp tục hành trình vì lý do sức khỏe, nhân viên tàu sẽ báo cáo để bố trí hỗ trợ tại ga gần nhất.

metro-so-1-3.jpg
Quy định được ban hành gồm có 7 chương, bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, vận hành các tuyến đường sắt đô thị (metro)

Trong trường hợp có sự cố kỹ thuật gây gián đoạn hành trình, doanh nghiệp phải nhanh chóng bố trí phương tiện thay thế hoặc hoàn tiền vé cho hành khách. Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo sự cố và điều chỉnh lịch trình với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan.

Mặt khác, doanh nghiệp phải có quy định phương thức hoàn trả chi phí mua vé cho hành khách (nếu có), đảm bảo trật tự, an toàn tại ga đường sắt và hạn chế tình trạng ùn tắc khi xảy ra sự cố.

Việc đặt tên ga phải phù hợp với lịch sử, văn hóa địa phương. Chủ đầu tư sẽ đề xuất tên ga và trình UBND TP.HCM phê duyệt sau khi thông qua Hội đồng tư vấn đặt tên.

Ngoài ra, TP.HCM cũng ưu tiên bố trí điểm dừng xe buýt, nhà chờ, bãi đỗ xe đạp và điểm đón trả khách trong và xung quanh các ga, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.

Trước đó, ngày 28/10, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn thành các công việc để đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành chính thức trong năm 2024.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài khoảng 19,7km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro này có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, bao gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng.

Đến nay, dự án metro số 1 đã hoàn thành 98,81% khối lượng công việc. Các gói thầu chính như hạ tầng ngầm, hạ tầng trên cao, và các hệ thống kỹ thuật đều đang ở giai đoạn hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ban hành quy định quản lý, vận hành đường sắt đô thị TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO