Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Nếu nhìn vào những con số có thể hình dung mức độ thiệt hại bởi dịch bệnh của ngành công nghiệp này. Năm 2019, doanh thu ngành du lịch là 31,3 tỷ USD, nhưng kể từ tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho biết, du lịch quốc tế chiếm hơn 80% doanh thu của Vietravel nhưng doanh thu năm 2020 chỉ bằng 23% so với năm 2019 và chỉ 40% lao động có việc làm; phải đóng cửa 32/51 văn phòng, các chi nhánh ở nước ngoài đều phải "đóng băng".
Dữ liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho thấy, doanh thu năm 2020 của ngành công nghiệp này chỉ hơn 10 tỷ USD, chủ yếu trong quý I. Khoảng 1.500 doanh nghiệp lữ hành chịu thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 90% dừng hoạt động, 10% chỉ hoạt động cầm chừng. Chưa bao giờ Việt Nam có sản phẩm du lịch rẻ như hiện nay. Nhiều khách sạn 4-5 sao đón khách với giá 400.000-500.000 đồng/đêm, (trước dịch là 400-500 USD).
Trong hơn một năm qua, ngành du lịch đã cùng lúc chịu tác động của dịch bệnh và sự thái quá trong công tác phòng chống dịch, dù những thành tựu chung về chống dịch hiệu quả của Việt Nam là một lợi thế cho ngành này.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch VITA, việc chỉ đạo thiếu thống nhất của Nhà nước là nguyên nhân dẫn đến việc phòng, chống dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành mỗi nơi một khác. Một số tỉnh, thành đưa ra các biện pháp phòng chống dịch tùy tiện hay thái quá, không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn đối với nền kinh tế, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành du lịch. Một số tỉnh cấm khách tham quan các điểm du lịch không bị cách ly, nhưng lại không cấm ở những khu vực cách ly.
Khách nước ngoài vẫn là nguồn chính mang lại tăng trưởng cho ngành du lịch Việt Nam. Nhà nước cần chuẩn bị một số chính sách mới để khi điều kiện cho phép có thể tung ngay ra các gói kích thích nhằm hút được lượng khách các nước có visa vaccine, nếu không sẽ rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác.
"Cuộc cạnh tranh sắp tới được dự báo là vô cùng quyết liệt, du lịch Việt Nam cần phải nhanh chân không thì bị bỏ lại phía sau", ông Bình cảnh báo. Một số doanh nghiệp đề nghị VITA kiến nghị Chính phủ cho phép xã hội hóa một phần tiêm chủng vaccine chống SARS-CoV-2. VITA đã trình các bộ ngành liên quan phương án thí điểm đón khách du lịch có visa vaccine.
Theo ông Bình, Chính phủ đã ban hành việc tiêm chủng vaccine mở rộng để chống dịch, nhưng chuẩn bị cho khôi phục kinh tế cần xác định lại ưu tiên và có những chính sách rõ ràng và phù hợp với tình hình hiện tại.
Sự hối thúc mở cửa của ngành du lịch là hiểu được, nhưng những ca nhiễm mới nhất cho thấy Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ dịch bệnh rất cao và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 5/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra những yêu cầu rất cao đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, trong khi nguồn lực, năng lực và thời gian đều hạn chế. Ông yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch. Chính phủ sẽ tiếp tục bàn thảo những vấn đề liên quan đến nhập khẩu, sản xuất vaccine, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện trong tuần này. Việc xử lý đợt lây nhiễm SARS-CoV-2 mới nhất có mức độ khó hơn những đợt bùng phát dịch trước đây. Nếu các địa phương và người dân lơ là phòng chống dịch và để gia tăng nhập cảnh, cư trú trái phép thì khó mà mở cửa cho du khách, dù họ có visa vaccine.