Quốc tế

Ấn Độ hướng đến trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu

Nguyễn Văn Phong 01/10/2023 15:00

Thời gian gần đây, ngành công nghiệp của Ấn Độ có nhiều chuyển biến, tiến gần hơn vai trò như một trung tâm sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu. Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế hiện nay, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đặt mục tiêu đầy tham vọng là nâng giá trị của ngành sản xuất thiết bị điện tử lên 300 tỷ USD vào năm 2026.

Mở rộng hệ sinh thái sản xuất ngày càng trở thành một mục tiêu chiến lược đối với chính phủ Ấn Độ, đặc biệt khi nước này tìm cách hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ấn Độ muốn thu hút thêm công ty nước ngoài tới đầu tư, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ xem sản xuất điện tử là con đường quan trọng để đạt được mục tiêu kinh tế, cũng như là nguồn đóng góp tiềm năng cho tăng trưởng GDP và xuất khẩu.

mot-nha-may-dien-tu-cua-foxconn-tai-an-do-anh-reuters.jpeg
Một nhà máy điện tử của Foxconn tại Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Tiềm năng thu hút các doanh nghiệp điện tử toàn cầu

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một loạt cải cách về chính sách và cam kết tăng hỗ trợ đáng kể để thu hút các công ty điện tử toàn cầu. Chương trình “Khuyến khích liên kết sản xuất” được giới thiệu vào năm 2020 là trọng tâm của nỗ lực trên, khi trợ cấp lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Chính phủ liên bang đã phân bổ hơn 6 tỷ USD cho chương trình khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện tử. Các công ty nhận nhiều nhất liên quan tới sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị viễn thông, máy tính xách tay, máy chủ và gần đây là chất bán dẫn.

Chính phủ Ấn Độ cũng thiết lập một số chương trình khác, như ưu đãi trị giá hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất chất bán dẫn. Tổng hỗ trợ tài chính cho các chương trình này vượt xa mức chi cho bất kỳ ngành nào khác, phản ánh sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ cho việc phát triển hệ sinh thái sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Bên cạnh những ưu đãi trên, chính phủ liên bang cũng bắt đầu hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế nhiều hơn cho hàng điện tử của Ấn Độ, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ấn Độ có FTA với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Úc. Họ cũng đang đàm phán với Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU) cùng một số đối tác khác.

Ngoài sáng kiến của chính phủ liên bang, một số tiểu bang cũng đưa ra chính sách của riêng mình để cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các bang như Karnataka, Gujarat, Tamil Nadu, Uttar Pradesh và Telangana đã đưa ra chính sách liên quan đến mở rộng khu công nghiệp, ưu đãi về đất đai, tiện ích xã hội, trợ cấp vốn và hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động.

Chính phủ liên bang và tiểu bang đang ngày càng phối hợp, giúp hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn bằng cách loại bỏ rào cản quan liêu, thủ tục rườm rà và đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án. Chính phủ nhấn mạnh vào cải cách để khuyến khích đầu tư, đánh dấu một bước chuyển hướng đáng kể so với cách tiếp cận trước đây vốn phụ thuộc chủ yếu vào thuế quan bảo hộ và hàng rào phi thuế quan, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất trong nước.

Tham vọng cao trong việc thúc đẩy sản xuất thiết bị điện tử của Ấn Độ được dự báo sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty lẫn người lao động ở địa phương.

Cải cách này trước mắt mang lại một số kết quả, bằng chứng là những khoản đầu tư lớn từ gã khổng lồ Apple, Samsung Electronics và nhà sản xuất chip Micron. Giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Ấn Độ đã tăng, khi đạt gần 7 tỷ USD trong quý I/2023, cao hơn 56% so với cùng kỳ năm trước.

Quyết định của Apple muốn phát triển chuỗi cung ứng sản xuất iPhone tại Ấn Độ đánh dấu bước đột phá trong chính sách xây dựng hệ sinh thái ở địa phương mà chính phủ đang theo đuổi. Đầu tư của Apple thể hiện sự tin tưởng vào Ấn Độ như một điểm đến quan trọng của chuỗi sản xuất hàng hóa. Các công ty lớn khác không loại trừ khả năng sẽ sớm đi theo.

Apple đã gặt hái quả ngọt và đạt được cột mốc quan trọng trong sản xuất điện thoại thông minh tại quốc gia Nam Á. Tháng 12/2022, doanh số xuất khẩu từ Ấn Độ chính thức cán mốc 1 tỷ USD.

Những đối tác quan trọng của Apple như Foxconn, Pegatron hay Wistron cũng đã và đang xúc tiến đầu tư vào Ấn Độ. Điều này báo hiệu có thể 25% lượng iPhone trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại quốc gia Nam Á vào năm 2025, so với chỉ 5% hiện nay. Có thể nói ở Ấn Độ, một hệ sinh thái cung ứng thiết bị cho iPhone đang dần được hình thành.

Mặc dù bước đầu Ấn Độ đã đạt được một số thành công trong chính sách mới. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, khó khăn vẫn còn không ít.

Khó khăn trong đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử

Tháng 8/2023, chính phủ Ấn Độ thông báo việc nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân sẽ phải có giấy phép riêng. Trước sự phản đối kịch liệt từ các ngành công nghiệp, chính phủ thông báo việc thực hiện có thể hoãn đến năm sau. Diễn biến này cho thấy, chính phủ Ấn Độ vẫn muốn bảo hộ ngành công nghiệp nội địa, chưa mở cửa hoàn toàn đối với hàng hóa, đầu tư và công nghệ từ bên ngoài.

Không chỉ ở Ấn Độ, ở nhiều quốc gia khác, vấn đề này cũng thường căng thẳng, tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi trước mỗi đợt bầu cử. Ấn Độ sẽ bầu cử cấp tiểu bang vào tháng 10/2023 và liên bang vào năm 2024.

Nhiều công ty muốn chuyển dây chuyền sản xuất, hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, cũng đối mặt không ít thách thức liên quan đến vốn và nhân sự. Một số doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Ấn Độ than phiền không thể mang các chuyên gia lành nghề đi theo, do hạn chế về thị thực với công dân Trung Quốc. Điều này đến từ căng thẳng địa chính trị và kinh tế giữa hai cường quốc châu Á.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cảm thấy tại nhiều bang của Ấn Độ, văn hóa quá phức tạp với nhiều phong tục, ngôn ngữ, ẩm thực và dân tộc khác nhau. Sự đa dạng luôn tích cực nếu nó không cản trở quá trình cấp giấy phép, triển khai vốn, bảo vệ môi trường hay đảm bảo an ninh trật tự.

Theo một số chuyên gia, làn sóng mở cửa và ưu tiên sản xuất hàng điện tử của Ấn Độ chỉ mới bắt đầu vào năm 2020. Do đó, còn tồn đọng không ít bất cập. Dẫu vậy, những thành công ban đầu cộng với quyết tâm của chính phủ, có thể phác họa phần nào bức tranh phía trước.

Một quan chức Ấn Độ mới đây nói với báo chí: “Cam kết của chúng tôi là tiếp tục cải cách. Chúng tôi kiên định với mục tiêu đã đề ra. Chúng tôi muốn tận dụng tối đa lợi thế của mình về nguồn nhân lực, nền tảng công nghệ, khí hậu thời tiết và cơ sở hạ tầng, để phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hiện đại, từng bước mang tới sự thịnh vượng cho mỗi người dân lẫn toàn thể quốc gia”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ hướng đến trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO