Giòn thơm bánh biến ngày Xuân

Trần Thiên Nhất| 11/12/2022 06:12

Những khi Tết đến Xuân về, cả nhà cùng sum vầy để đồ xôi, gói bánh chưng hay làm bánh biến... không thể nào thiếu đi những hạt nếp dẻo thơm, trắng ngần.

Bánh biến là món không xa lạ gì đối với người dân quê tôi vào mỗi dịp Tết về. Nguyên liệu làm bánh biến thật sự rất đơn giản: chỉ là ít gạo nếp luộc, lạc rang kết hợp thêm chút mật mía kèm theo ít gừng cỏ đập dập.

Để chuẩn bị cho món bánh biến, mẹ tôi thường tỉ mẩn ngồi sàng sẩy nếp thật kỹ, đem luộc sơ rồi phơi cho khô ráo. 

Sau khi tỉ mẩn ngồi sàng, số nếp luộc này sẽ được rang lên. Việc rang nếp sao cho màu vừa đẹp, không bị cháy quá và đạt đúng độ chín rất quan trọng, đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm, khéo léo và biết canh lửa chuẩn. Ở nhà, công đoạn này không ai có thể làm thay mẹ tôi. Nếp mẹ rang hạt nào hạt nấy đều vàng ruộm một màu, nở bung và giòn tan.

Ngoài nếp thì lạc đem rang phải chọn loại hạt to và chắc. Những hạt lạc sâu hay bị cháy khét tuyệt đối không được sử dụng, cũng bởi sẽ làm hỏng hoàn toàn vị ngon của bánh. Riêng mật mía “chuẩn” để chế biến bánh thì quê tôi không thiếu, bởi dù đường trắng không thiếu nhưng nhiều gia đình vẫn có truyền thống nấu mật mía mỗi dịp Tết về. Những giọt mật được nấu từ những cây mía đường gieo trồng bởi chính bàn tay người dân quê luôn đặc quánh, thơm lừng... là nguyên liệu không thể thiếu, tạo nên hương vị đặc trưng cho món bánh quê nhà.

Bố tôi thường đùa rằng, chỉ cần chuẩn bị xong bấy nhiêu nguyên liệu là coi như đã hoàn thành gần hai phần ba công đoạn làm bánh biến rồi. Tưởng chỉ đơn thuần là lời đùa nhưng ngẫm lại thì đúng thật.

Giòn thơm bánh biến ngày Xuân

Giòn thơm bánh biến ngày Xuân

Tôi nhớ như in cảm giác háo hức khi còn nhỏ, nhất là lúc thấy bố bắt đầu khệ nệ bưng chiếc chảo to đặt lên bếp thì dù là đang làm gì, bản thân cũng sẽ bỏ dở hết ra đấy rồi xách chiếc ghế con lại ngồi kế bên để “hóng” cùng.

Bố tôi thường sẽ đổ một lượng mật vừa đủ vào chiếc chảo kèm ít gừng tươi đã đập dập. Sau đó, bố sẽ nhẹ nhàng dùng đôi đũa cả nhẹ khuấy đều. Mật khi bắt đầu sôi sẽ dần sánh keo lại. Bố hay bày cho chúng tôi cách thử mật “keo” đủ độ bằng việc nhỏ vài giọt vào bát nước lã, nếu mật vón lại thành giọt trong nước thì coi như đã đạt chuẩn. Đây cũng là bước đòi hỏi sự chuẩn xác của người chế biến.

Link bài viết

Nếu lỡ tay để mật sôi quá lửa hay hơi non lửa thì mẻ bánh biến đó xem như thất bại. Tuy nhiên, chúng tôi không quá lo lắng. Cũng bởi công đoạn “thắng” mật này bố tôi thành thục lắm, như thể nó đã trở thành một “kỹ năng” mà dựa vào kinh nghiệm lâu năm mới tích lũy lại được. Sau khi bố thắng mật, mẹ sẽ trộn đều lạc và gạo nếp rang rồi đem đổ từ từ vào chảo mật đang sôi ấy. Thao tác đổ và khuấy phải thật đều tay, nhịp nhàng để các nguyên liệu không bị dồn vón lại với nhau. Trước khi tắt bếp, mẹ tôi sẽ chuẩn bị sẵn một chiếc khuôn vuông vắn được trải bằng lớp giấy báo sạch phía dưới, tránh làm cho bánh bị dính vào đáy khuôn.

Khi bánh còn nóng dẻo, bố tôi sẽ cầm một thanh tre mỏng nhẹ nhàng gạt đều sao cho mặt trên của mẻ bánh trở nên mịn phẳng. Sau đó, dùng một con dao sắc cắt chéo bánh thành từng miếng hình thoi cho vừa ăn, cũng là để khi bày ra đĩa được đẹp mắt hơn.

Ngày Xuân, đặc biệt là những hôm tiết trời mưa phùn lành lạnh, được nhâm nhi miếng bánh biến cùng bát nước chè xanh thơm ngát, ngồi ôn lại biết bao chuyện đã qua rồi thoải mái mỉm cười, thật chẳng còn gì vui thú hơn. Nếu cảm thấy ngán ngấy với bao nhiêu món thịt cá, bánh chưng... thì bánh biến là một món ăn “lạ miệng” tạo nên nét khác biệt trong thực đơn mâm cỗ của các bà nội trợ quê tôi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giòn thơm bánh biến ngày Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO