Tép đồng thông thường sẽ sinh sôi nhiều sau những trận mưa rào mùa hạ. Chúng thường sống trong những mương nước, ao hồ đục. Thi thoảng, muốn cất tép đồng, người dân xóm tôi thường có thói quen buộc tấm vải màn rộng vào bốn góc của hai thanh tre được uốn cong hình dấu nhân.
Sau đó, người dân cho ít cám bột vào lưới như một mẹo nhỏ để nhử mồi. Mùi thơm của bột cám lúc bấy giờ sẽ thu hút đàn tép. Chị em chúng tôi bắt chước người lớn thường an tĩnh ngồi đợi khoảng 10 phút thì nhanh nhảu cất “te” lên.
Cứ thế, chị em tôi mải miết bắt cho đến khi trời nhá nhem tối. Về đến đầu xóm, thấy mẹ đứng chờ. Những rổ tép nặng trĩu cứ thế được mấy mẹ con tôi đeo ngang hông, thong thả đem về.
Tép được cất về ở xóm tôi có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau. Riêng với nhà tôi, mẹ thường đem tép đi làm mắm để ăn dần. Làm mắm nghe thì có vẻ đơn giản vậy, nhưng để có hũ mắm tép ngon, đỏ au dùng cả năm phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm.
Mẹ tôi kể lại thì thông thường, khâu sơ chế, làm sạch tép là công đoạn mất thời gian nhiều nhất. Những mớ tép riu tươi nguyên thường xen lẫn rất nhiều rong rêu, cỏ rác. Sợ mẹ vất vả, chị em tôi mỗi khi tan học trở về, thường xúm vào giúp mẹ nhặt rong rêu, cấn rác và cả những con ốc vặn lẫn trong mớ tép.
Chúng tôi vừa nhặt rêu, nhặt ốc, vừa khẽ đảo tay khiến những con tép co mình nhảy tanh tách. Nghe lời mẹ dặn, chị em tôi thường rửa nhiều lần cho đến khi tép thật sạch. Sau khi tép được rửa sạch, mẹ mang ra cầu ao đãi đi đãi lại cho đến khi rổ tép trong suốt mới mang về trướt qua nước mưa và để cho ráo khô.
Đợi rổ tép ráo nước, mẹ thường trộn muối thật đều rồi bỏ vào cối đá giã cho tới khi nhấc chày lên thấy nặng tay là tép đã nhuyễn và quánh dẻo. Tiếp đó, mẹ tẩn mẩn lấy gạo, rang chín vàng, tỏa mùi thơm phức. Chị tôi sẽ giúp mẹ đem gạo rang giã thành thính, rồi cho vào tép đã giã nhuyễn.
Mẹ thường bảo để làm mắm tép thành công, phải chú tâm làm sạch và kỹ, vì chỉ cần hơi lẫn tạp chất một tí là bị ngả màu thâm xỉn, không còn tươi đỏ nữa. Mẹ thường lấy cái hũ sành đã được phơi khô, rồi tuần tự cứ cho một lớp tép, lại rải một lớp muối, một lớp thính. Cuối cùng, mẹ cẩn thận lấy ít lá chuối khô nút hũ lại, không quên bọc thêm một miếng vải. Hũ mắm tép sau đó sẽ được phơi ngoài nắng mấy ngày rồi để vào trong bếp, tận dụng hơi nóng của lửa cho mau ngấu.
Chúng tôi thường háo hức chờ đợi khoảng một đến hai tháng, mãi cho đến lúc mẹ mở nút lá chuối trên cái hũ để lấy mắm ra chưng. Khi chưng mắm tép, mẹ thường có thói quen xắt nhuyễn thêm ít lá gừng vào cho thơm. Thi thoảng, vào vụ mùa thu hoạch lúa, để bồi dưỡng cho cha và các anh chị đi gặt vất vả, mẹ sẽ mua mấy lạng thịt ba chỉ về chưng cùng mắm tép, để dành cho bữa cơm chiều.
Những ngày còn thơ, chỉ cần đứng trong gian bếp đơn sơ, nhìn ra khúc sông vắng, hít hà mùi thơm ngậy béo của thịt quyện trong hương mắm tép mặn mòi, là thấy lòng hân hoan vô kể. Mâm cơm được bê ra, đặt trên chiếc bàn gỗ nhỏ ở giữa nhà, có rổ rau tươi non ngoài vườn, tô canh tập tàng và mắm tép chưng thịt. Tay mẹ múc bát cơm nóng hổi, rưới thêm thìa mắm tép, ăn kèm miếng khế, miếng dưa chua... ngon lành đến mê mẩn.
Cả nhà quây quần ngồi cạnh nhau, cười nói rộn rã, kể đủ chuyện xóm, chuyện đồng ruộng. Thi thoảng, tiếng cải lương từ chiếc radio cũ nhà chú Bảy hàng xóm rè rè âm điệu buồn thương, càng khiến bữa cơm chiều đúng chất miền Tây hơn bất cứ khi nào.
Đi qua một khoảng đời tuổi thơ gian khó, bản thân tôi đã được nuôi dưỡng và trưởng thành từ những bát mắm tép quê nghèo và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Để rồi giờ đây, khi đã quá nửa đời người, nhưng cứ mỗi độ Thu sang, khi những cơn gió lạnh tràn về, lòng tôi lại nao nao nỗi nhớ quê, nhớ bóng dáng mẹ bên gian bếp năm nào, nhớ cồn cào vị mắm tép ngày xưa ấy.
Thời gian trôi qua, mắt mẹ tôi đã mờ, bước chân chậm chạp nên bà chẳng còn khả năng làm mắm tép cho cả nhà ăn như xưa nữa. Thế nên mỗi lần nghe chúng tôi nhắc chuyện ngày xưa gian khó, kể về bát cơm nóng rưới mắm tép mỗi độ Thu sang là mẹ lại mỉm cười, nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ giãn ra, gương mặt như thời son trẻ.