Gia cảnh nhà tôi không dư dả, nhưng mâm cỗ cúng ông bà ngày Tết, đơn giản đến mấy, má tôi cũng chuẩn bị nồi canh khổ qua dồn thịt. Tôi nhớ như in những ngày giáp Tết, khi nắng hanh hao vàng, chờ đón những bông hoa vạn thọ đầu tiên bung cánh, cũng là lúc giàn khổ qua của tía lủng lẳng trái, một màu xanh tươi, mà chỉ nhìn là đã cảm nhận được vị thơm mát quen thuộc. Má tôi sẽ ưu tiên chọn những trái có màu xanh đậm và gai chỉ nở vừa, không to quá cũng không nhỏ quá để khi bày biện lên mâm cỗ, nhìn tô canh còn đẹp mắt.
Nhân khổ qua để nhồi vào trái khá đa dạng, với nhiều nguyên liệu từ cá thát lát, tôm... Tuy nhiên, loại nhân hợp khẩu vị được nhà tôi yêu thích nhất vẫn là khổ qua nhồi heo thịt bằm. Thịt được mẹ tôi trộn lẫn cùng mộc nhĩ thái nhỏ, bún khô, hành củ thái nhỏ. Để có hương vị đậm đà, phần nhân sẽ được chú trọng tẩm ướp cùng nước mắm, hạt nêm và một ít tiêu, ít đường, phù hợp với khẩu vị nhà mình.Trái khổ qua khi dồn thịt, muốn đẹp mắt đòi hỏi người thực hiện phải thật khéo léo, lượng nhân vừa đủ.
Má tôi thường dùng một cái muỗng nhỏ, tách nhẹ trái khổ qua, rồi tỉ mỉ cho phần nhân vào bên trong. Để nấu món canh khổ qua nhồi thịt, với vị nước dùng thơm ngon tròn vị, má sẽ hầm xương ống heo trước khoảng một giờ đồng hồ để làm nước dùng, khi đã đủ độ ngọt thì thả khổ qua vào cho sôi bùng lên, sau đó bà vớt bọt để nước canh trong, lửa nhỏ liu riu cho đến khi khổ qua chín.
Bao giờ cũng thế, tôi thường bắc một chiếc ghế con, ngồi chăm chú nhìn má nhồi thịt vào khổ qua, chuẩn bị nấu tô canh cúng tất niên. Khi ấy, tôi cảm giác như bao nỗi nhọc nhằn của ba má một năm sắp sửa tan biến, một năm mới hạnh phúc hứa hẹn đang về.
Trong ngày Tết, bên cạnh những món ăn nhiều dầu mỡ, tạo cảm giác dễ ngán khác, thì canh hầm khổ qua sẽ giúp cơ thể cân bằng, nhẹ bụng và tốt cho sức khỏe. Với tôi, canh khổ qua nhồi thịt heo bằm không chỉ là món ăn yêu thích vào dịp Tết cổ truyền, mà còn gợi lại những hoài niệm tuyệt đẹp của tuổi thơ, khi tôi còn có tía má ở bên cạnh.