Baguette Pháp và baguette Việt Nam: Văn hóa ẩm thực của thế giới

Hải Minh| 01/12/2022 05:00

UNESCO ngày 30/11/2022 vừa công nhận "bí quyết thủ công và văn hóa làm bánh mì baguette" là Di sản văn hóa phi vật thể.

Là bánh mì dài đặc trưng của Pháp, baguette là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người dân nước này trong cả trăm năm qua. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Pháp cầm baguette ở bất kỳ đâu: bỏ túi, để giỏ xe, hay thậm chí... kẹp dưới nách.

Từ bánh mì dài cho người lính Pháp

Tương truyền, những thợ làm bánh của Napoleon Bonaparte nghĩ ra hình dáng thon dài của ổ bánh mì này để giúp quân đội mang theo dễ hơn. Câu chuyện khác lại cho rằng, một thợ làm bánh người Áo tên August Zang đã phát minh ra loại bánh này.

Theo Reuters, dù mức tiêu thụ baguette giảm trong thế kỷ qua, Pháp vẫn cho ra lò khoảng 16 triệu ổ/ngày, tức 6 tỷ ổ/năm. Dù thành phần cơ bản giống nhau, mỗi tiệm bánh ở Pháp lại có bí quyết riêng để làm bánh và hằng năm, ở Pháp đều có các cuộc thi để tìm ra loại baguette ngon nhất vùng.

Bánh mỳ baguette tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN)

Bánh mì baguette tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Vậy, còn bánh mì ở Việt Nam? Petit pain, hay bánh mì, được người Pháp mang vào Việt Nam lần đầu để phục vụ binh lính suốt thời Pháp đô hộ Đông Dương đến khi thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Theo Erica Peters - cây viết chuyên về ẩm thực Việt Nam, tác giả cuốn Khẩu vị và khát vọng ở Việt Nam, cho biết: "Đến năm 1910, những chiếc baguette nhỏ, còn gọi là "petit pain" được bán trên đường phố và người Việt hay mua trên đường đi làm để ăn sáng".

Đầu thế kỷ XX, binh lính và dân Pháp đến Việt Nam nhiều hơn, khiến nhu cầu baguette tăng, trong khi bột mì nhập khẩu từ Pháp lại khan hiếm do Thế Chiến thứ nhất bùng nổ.

Đến bánh mì cho người dân Việt Nam

Bằng sự khéo léo và tư duy sáng tạo, người Việt đã biến tấu bánh mì Pháp cho phù hợp với thời cuộc. Thợ làm bánh Việt đã nghĩ ra cách trộn thêm bột gạo với bột mì, rồi cho ra đời bánh mì ruột mềm, và giá cả cũng... mềm hơn. Do đó, bánh mì không chỉ dành cho người Pháp cùng giới thượng lưu, nhà giàu, mà người bình dân vẫn ăn được. Nên, có thể xem bánh mì "made in Việt Nam" ra đời từ 1 thế kỷ trước.

Để làm cho bánh mì Việt Nam "phức tạp" hơn, thợ làm bánh đã khéo léo thêm bột nở cho ruột bánh rỗng xốp chứ không đặc. Khi ruột bánh mì rỗng, người ăn có thể kẹp vào nhiều thức ăn khác để làm tăng giá trị dinh dưỡng. Và, chiếc bánh mì kẹp hấp dẫn đó ra đời sau khi người Pháp đã rời Đông Dương.

Sau năm 1975, bánh mì kẹp thịt theo chân người Việt Nam đi khắp thế giới. Ở đâu có người Việt Nam sống, ở đó có bánh mì. Đặc biệt, bánh mì Việt Nam trở lại chinh phục người Pháp. Tất nhiên, về số cửa hàng, không thể "đọ sức" với hệ thống tiệm bánh đồ sộ của Pháp, nhưng bánh mì Việt Nam vẫn đủ sức mê hoặc người Pháp ngay trên chính đất nước họ.

Riêng ở "nước chủ nhà", bánh mì Việt Nam trở thành món ăn đường phố ngon, bổ, rẻ, phù hợp với mọi túi tiền và văn hóa vùng miền hoặc sở thích cá nhân bởi "đồ bổi" và gia vị ăn kèm. Ngoài ra, bánh mì còn được ăn kèm với nhiều món ăn đa dạng, như bò kho, cá mòi hay xíu mại, cà ri, phá lấu… Thậm chí, người miền Tây thích ăn bánh mì với chuối chín.

Nếu sử dụng "Vietnamese sandwich", sẽ không diễn tả đúng, nên người Mỹ, Anh gọi nó là "banh mi". Tháng 3/2011, "banh mi" đi vào từ điển Oxford (cùng pho: phở, ao dai: áo dài) với ý nghĩa một loại bánh trong ẩm thực Việt Nam.

Việt Nam, bánh mì đã trở thành món ăn đường phố ngon, bổ, rẻ, phù hợp với mọi túi tiền và văn hóa vùng miền hoặc sở thích cá nhân bởi “đồ bổi” và gia vị ăn kèm.

Bánh mì Việt Nam đã trở thành món ăn đường phố ngon, bổ, rẻ, phù hợp với mọi túi tiền và văn hóa vùng miền hoặc sở thích cá nhân bởi “đồ bổi” và gia vị ăn kèm. Ảnh: Internet

Chẳng thể sánh cùng phở - quốc hồn quốc túy của dân tộc, song bánh mì vẫn thuộc nhóm đầu của ẩm thực Việt Nam. Với lai lịch cùng giá trị ảnh hưởng của mình, Việt Nam hiện đã có các cuộc hội thảo về bánh mì.

Đơn cử như Hội thảo khoa học quốc tế "Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia". Nội dung bàn luận trong hội thảo sẽ góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn của bánh mì Việt so với bánh mì các nước thế giới, đồng thời tôn vinh văn hóa ẩm thực dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới... Hay như năm 2018, trang phục Bánh mì đã "vượt mặt" các đối thủ khác để theo chân H’Hen Niê đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

"Ổ bánh mì Việt sinh ra từ cuộc giao thoa văn hóa Pháp - Việt. Một ổ baguette dài với thịt nguội và bơ hoặc phô mai được thay đổi, thêm thắt, chuyển hóa thành ổ bánh mì nhỏ hơn, thêm các nguyên liệu mang đầy đủ tâm hồn Việt: rau thơm, hành, ngò, patê, thịt heo hoặc gà, chút nước xốt từ thịt, rắc muối, tiêu và cả ớt miếng, mang đủ các vị - Google giới thiệu về món bánh mì", Google giải thích như thế về biểu tượng bánh mì trên Google Doodle.

Trong khi đó, Tờ The Guardian (Anh) ngày 24/2/2012 đã xếp "bánh mì Việt Nam" ở vị trí thứ 2 trong danh sách "10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới". Tạp chí National Geographic chọn bánh mì là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler năm 2013 xếp bánh mì đứng đầu trong danh sách 12 món ăn đường phố. Chuyên trang du lịch Traveller năm 2017 xếp nó vào top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới. Còn CNN (Mỹ) năm 2018 gọi bánh mì là "Vua của các món sandwich thế giới". Đến ngày 24/3/2020, hình ảnh bánh mì Việt đã được chọn làm biểu tượng đặc biệt trên trang chủ của Google (gọi là Google Doodle).

Có thể nó, bánh mì là một trong các biểu tượng cho sự hội nhập, sáng tạo của người Việt Nam. Từ câu chuyện này, chúng ta có ánh nhìn xa hơn, đó là nếu biết tận dụng cơ hội toàn cầu hóa, biết biến tấu theo cách riêng, người Việt sẽ tạo ra thương hiệu mang dấu ấn. Và điều đặc biệt, bánh mì không chỉ là món ăn, mà còn là văn hóa Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Baguette Pháp và baguette Việt Nam: Văn hóa ẩm thực của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO