Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngành TT&TT là một ngành rất lớn về kinh tế và truyền thông, về kỹ thuật và công nghệ. Mục tiêu của Bộ TT&TT là làm cho ngành phát triển, thông qua đó góp phần làm cho đất nước phát triển.
“Ngành TT&TT có thể tạo thành một đôi cánh cho đất nước bay lên. Một cánh là công nghệ số và một cánh là truyền thông. Báo chí truyền thông góp phần tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, tạo ra sự ổn định để phát triển, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một đất nước muốn phát triển, bứt phá thì đều cần đến sức mạnh tinh thần. Phát triển thì không thể không dựa vào công nghệ. Lĩnh vực công nghệ số, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Ngành TT&TT đã xác định các sứ mệnh mới cho ngành, định vị lại các định hướng cơ bản và mở ra các không gian mới cho ngành, đó là 8 chương trình trọng tâm:
1. Chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.
2. Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Triển khai 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình 1 đường internet cáp quang. Hạ tầng Cloud, nền tảng định danh số, thanh toán điện tử, nền tảng cung cấp công nghệ như dịch vụ AI, IoT, Big Data, Blockchain, nền tảng chuyển đổi số các ngành…
3. Đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, với trọng tâm làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng, để đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Đảm bảo chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.
4. Chuyển đổi từ Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác của người dân với chính quyền nhiều hơn.
5. Chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình "Make in Vietnam" với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm và cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.
6. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ 50.000 doanh nghiệp sẽ trở thành 100.000 doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, cả doanh nghiệp phát triển sản phẩm, cả doanh nghiệp triển khai và khởi nghiệp sáng tạo.
7. Báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lực tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
8. Chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động của kinh tế - xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với việc bảo vệ chủ quyền số.