Cũng giống như ở phương Đông, ngày đầu năm Dương lịch ở phương Tây với số đông người là dịp để tống tiễn những xui rủi năm cũ và đón một năm mới tốt đẹp, may mắn.
Và trong ngày quan trọng này, không gì hơn thưởng thức một bữa ăn với những thực phẩm được tin là sẽ đem đến vận hên cho năm mới. Có gì lạ trong bữa ăn ấy so với bữa ăn đầu năm của người Việt chúng ta?
Có sáu loại thực phẩm (hay rau trái) chính được cho là đem đến tốt lành trong ngày đầu năm mới ở các nước phương Tây: nho, rau xanh, các loại cây họ đậu, cá, thịt heo và bánh các loại.
1. Nho
Trong bữa ăn nửa đêm (Giao thừa) đón năm mới ở Tây Ban Nha không thể thiếu một chùm nho gồm 12 trái cho mỗi người tham dự, mỗi trái tương ứng với một tiếng chuông nhà thờ báo hiệu thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Tục lệ này có từ năm 1909, khi mà những người trồng nho ở vùng Alicante của xứ sở bò tót bắt đầu thu hoạch một vụ mùa bội thu, sau đó lan sang nước Bồ Đào Nha láng giềng rồi đến các xứ thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lúc bấy giờ như Venezuela, Cuba, Mexico, Ecuador và Peru.
Mỗi trái nho trên bàn ăn còn tượng trưng cho một tháng trong năm mới, và vì thế trái nho thứ ba bao giờ cũng có vị chua gắt bởi tháng Ba trong năm luôn là tháng khô hạn nhất (ở Tây Ban Nha).
Mỗi người dự bữa tiệc Giao thừa sẽ phải ăn hết chùm nho 12 trái trước khi tiếng chuông cuối cùng ngân lên báo hiệu năm mới đã đến. Riêng ở Peru thì chùm nho có tới 13 trái và trái thứ 13 được coi là trái nho của sự may mắn.
2. Rau xanh nấu chín
Các loại rau có lá màu xanh như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn, cải rổ… được nấu hay luộc chín thường có mặt trong bữa ăn đón năm mới ở nhiều nước phương Tây bởi một lý do đơn giản: những chiếc lá xanh của chúng trông giống như những đồng tiền giấy được gấp lại và như vậy tượng trưng cho tài lộc dồi dào.
Người dân Đan Mạch hầm cải xoăn với đường và quế, còn người Đức thì chén cải bắp muối chua quốc hồn quốc túy trong khi ở miền Nam nước Mỹ người ta ăn nhiều rau cải rổ trong bữa ăn Giao thừa.
Nói chung, có một niềm tin ở nhiều xứ sở phương Tây rằng ăn càng nhiều rau có màu xanh trong bữa tiệc đầu năm sẽ càng nhiều may mắn trong năm mới.
3. Đậu các loại
Các loại đậu trắng, đậu cô-ve, đậu lăng (lentil) đều là biểu tượng của tài lộc ở phương Tây, bởi hình dáng tròn tròn trông giống như đồng tiền kim loại, do vậy thực đơn mừng năm mới không thể thiếu chúng.
Ở Ý, đậu lăng được nấu với xúc xích thịt heo và chỉ dọn ra bàn ăn ngay khi tiếng chuông ngân báo hiệu Giao thừa, hơn nữa thịt heo cũng được coi là thực phẩm mang đến vận hên.
Người Đức cũng nấu đậu với thịt heo cho bữa ăn đón năm mới, và cũng thường là món xúp đậu lăng hay đậu cô-ve nấu với xúc xích
Còn ở Brazil đó là món xúp đậu lăng hoặc đậu lăng hầm ăn với cơm, trong khi bữa ăn của người Nhật trong ba ngày đầu năm (Dương lịch thay vì Âm lịch như nhiều nước châu Á) với món đậu đen nấu ngọt, được gọi là kuro-mame.
Theo truyền thống lâu đời, người dân miền Nam Hoa Kỳ đón năm mới với món ăn có tên hoppin’ john mà nguyên liệu không thể thiếu là hạt đậu đũa phơi khô; thậm chí có nhiều người ăn mỗi ngày đầu năm một hạt đậu đũa để lấy hên.
Tục lệ này có từ thời nội chiến Nam – Bắc, khi đó ở thị trấn Vicksburg của bang Mississippi, do chiến sự mà thiếu hụt các nguồn thực phẩm, may thay người dân của thị trấn tìm được đậu đũa khô làm món ăn và nó trở thành biểu tượng của may mắn.
4. Thịt heo
Trong số các món ăn đón năm mới của người dân New York luôn có thịt heo vì con vật này là biểu tượng của sự thăng tiến, hướng về phía trước do chúng không bao giờ đi lùi, chân chúng luôn cắm chặt xuống đất trước khi bước tới.
Khá giống với người Hoa, heo sữa quay là món ăn chủ lực của ngày đầu năm tại Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, Áo và người Áo còn trang trí bàn ăn năm mới với bánh hạnh nhân được nắn hình những chú heo xinh xinh.
Do thịt heo chứa nhiều chất béo, tượng trưng cho sung túc, thịnh vượng nên người Mỹ và người Ý cũng luôn dùng thịt heo làm các món ăn đầu năm.
5. Cá
Đây là thứ nguyên liệu rất hợp lý để làm món ăn mừng năm mới. Theo ông Mark Kurlansky, tác giả cuốn sách Cá tuyết: biên niên sử loài cá đã làm thay đổi thế giới thì cá tuyết đã là thức ăn dành cho mùa lễ hội Giáng sinh và năm mới từ thời Trung cổ.
Ông so sánh nó với gà tây của lễ Tạơn. Vì sao? Do trước khi có tủ lạnh và hệ thống giao thông hiện đại, cá tuyết đã được bảo quản và vận chuyển từ vùng Bắc Âu, quê hương của chúng tới Địa Trung Hải, thậm chí xa hơn nữa là vùng Bắc Phi và Caribê.
Kurlansky còn cho rằng do nhà thờ Công giáo không khuyến khích ăn thịt đỏ vào những ngày lễ thánh nên cá tuyết nói riêng, các loài cá nói chung là nguyên liệu chính trong tiệc tùng lễ hội.
Người Đan Mạch ăn cá tuyết đã nấu nướng trong khi món cá tuyết muối (baccalà) được dân Ý thưởng thức suốt từ Noel cho tới những ngày đầu năm mới. Còn ở Ba Lan và Đức thì cá trích là món chủ lực của ngày tết; người Đức còn ăn cá chép trong tiệc Giao thừa cũng như bỏ vào ví vài hình cá chép lấy may.
Trong tiệc đứng smorgasbord đón năm mới của người Thụy Điển luôn có các món cá và salad hải sản. Còn ở Nhật, trứng cá trích được coi là món ăn mang tới sự sung túc, tôm thì đem đến sự trường thọ và cá mòi nướng sẽ cho một mùa bội thu hoặc một năm đầy phước lành.
6. Bánh ngọt các loại
Hầu như các loại bánh ngọt đều được đưa lên bàn ăn đón Giáng sinh và năm mới khắp nơi trên thế giới. Người Ý ăn chiacchiere, món bánh nướng mật ong hình tròn hay món pasta nướng phủ kín đường. Người Ba Lan, Hà Lan, Hungary cũng ăn bánh doughnut dịp này, song người Hà Lan còn có ollie bollen – bánh rán phủ đường tương tự như doughnut song nhồi đầy táo, nho và phúc bồn tử.
Ở một số quốc gia khác, cái bánh ngọt ngày đầu năm còn được giấu bên trong một đồng tiền để người nào ăn nhằm miếng bánh có đồng tiền sẽ thật may mắn.
Món bánh ngọt rosca de reyes đón năm mới ở Mexico có hình dạng một chiếc vòng, được trang trí bằng mứt trái cây và bên trong luôn ẩn chứa một điều bất ngờ cho người ăn. Người Na Uy và Thụy Điển cũng có nghi thức ẩm thực năm mới tương tự như vậy: họ thường cho vào bánh pudding một trái hạnh nhân và ai có nó được tin là tài lộc sẽ thật dồi dào!
Thứ không nên ăn ngày đầu năm: ở nhiều nước phương Tây, người ta kiêng ăn tôm hùm trong tiệc mừng năm mới bởi con tôm “đi” giật lùi; tương tự là gà vì gà chỉ bới về phía sau, thậm chí không ăn cả những con vật có cánh vì tin rằng chúng sẽ mang may mắn bay đi ráo trọi! Người Việt chúng ta thì ngày đầu năm mới (Âm lịch) kiêng cữ những là thịt cầy, thịt vịt, xôi trắng, mực, cá mè…