5 năm qua, Trung tâm Báo chí TP.HCM là cầu nối cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề xã hội đang quan tâm
Đây là nhận định của các lãnh đạo, đại biểu, khách mời tham gia Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án thành lập Trung tâm Báo chí, tổ chức sáng ngày 17/5.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận định rằng, trong suốt 5 năm qua, Trung tâm Báo chí đã trở thành cầu nối hữu hiệu để lãnh đạo Thành phố cùng các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm. Ngoài ra, nơi đây cũng như ngôi nhà thứ hai của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp, đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời tới người dân.
Mô hình Trung tâm Báo chí là một bước đột phá của Thành uỷ, UBND TP.HCM trong tiến trình khơi thông, tạo điều kiện cho môi trường thông tin, truyền thông, tiếp nhận các sáng kiến, góp ý và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
Thông tin về tình hình hoạt động của Trung tâm Báo chí trong 5 năm vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, hơn 500 sự kiện được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 12.000 lượt phóng viên và hơn 700 lượt lãnh đạo đến cung cấp thông tin, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi sự hiện đại, chuyên nghiệp. Nhiều địa phương đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để cân nhắc nhân rộng mô hình, phát huy hiệu quả tại các đại phương.
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã có nhiều đóng góp cho quá trình điều hành thông tin phòng, chống dịch. Khi áp lực từ dịch bệnh gia tăng, việc giãn cách được thực hiện triệt để, nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân được đẩy lên rất cao. Ngoài những thông tin chính thống, đây cũng là thời điểm các tin giả, tin sai sự thật xuất hiện tràn lan. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thời điểm đó đã quyết định tổ chức họp báo hàng ngày tại Trung tâm Báo chí thành phố.
Trung tâm cũng là nơi để các phóng viên theo dõi thông tin về tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Các buổi làm việc của các lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước với Thành ủy, UBND TP.HCM.
Ngoài ra, nhiều chương trình nổi bật được Trung tâm Báo chí tổ chức và duy trì thường xuyên như: Họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố vào thứ 5 hàng tuần; Chương trình "Dân hỏi, Thành phố trả lời" được tổ chức từ tháng 8/2021, được bình chọn là một trong mười hoạt động nổi bật...
Sau đại dịch Covid-19, Trung tâm Báo chí đã có sự đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung
Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
Bà Nguyễn Đình Như Hương - Giám đốc Trung tâm Báo chí nhận định rằng, vào thời điểm thành lập, đây là Trung tâm Báo chí đầu tiên trên cả nước, được đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất ban đầu tương đối hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các sự kiện tầm cỡ trong nước và quốc tế; Đội ngũ nhân sự của Trung tâm đang dần hoàn thiện về số lượng cũng như chuyên môn. "Trung tâm Báo chí hiện nay đã có thể tự tin tổ chức một buổi họp báo gấp trong vòng 15-30 phút chuẩn bị", bà Hương nói.
Bà Hương cũng đưa ra một số đề xuất đến lãnh đạo TP.HCM nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Trung tâm Báo chí trong thời gian tới, bao gồm: Tăng cường nguồn nhân lực cả về số lượng cũng như chất lượng; Chính danh tên gọi của Trung tâm trong các sự kiện; Tiếp tục thông tin nhanh, trực tiếp nhằm giúp Trung tâm có nguồn tin kịp thời và tin cậy gửi đến đội ngũ phóng viên; Chấp thuận kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất...
Định hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Lâm Đình Thắng chỉ đạo, Trung tâm Báo chí TP.HCM cần thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả; Tiếp tục sáng tạo trong cách thức thực hiện và đưa thông tin đến các cơ quan báo chí; Thực hiện phản bác tin giả của TP.HCM một cách nhanh chóng, hiệu quả và nghiêm túc.
Thời gian tới, Trung tâm Báo chí TP.HCM cũng sẽ có các hoạt động góp phần nâng cao năng lực nghiệp vụ, công tác truyền thông của các cơ quan báo chí; Nâng tầm, chủ động tổ chức các hoạt động, sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế của Thành phố; Ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ, nâng cao nghiệp vụ của các cán bộ Trung tâm để bắt kịp xu hướng báo chí, truyền thông hiện đại...
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, nhiều tham luận được các đại biểu đưa ra, nhằm đề xuất các giải pháp hoạt động, phát triển Trung tâm Báo chí TP.HCM trong thời gian tới.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng, lãnh đạo chính quyền dựa vào sức mạnh của truyền thông để thực hiện truyền tải thông điệp và định hướng dư luận, vậy nên nội dung và cách thức truyền thông phải được quan tâm đầu tư nhằm tác động tới người dân một cách hiệu quả nhất. Nội dung tuyên truyền pháp luật thường khô khan, nhưng thực hiện tuyên truyền pháp luật dựa trên các tiểu phẩm, có tính ứng dụng trong đời sống xã hội, sẽ tác động sâu sắc tới nhận thức của người dân, từ đó đạt được hiệu quả tuyên truyền tốt hơn.
Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM mong muốn, trong thời gian tới, ngoài việc cung cấp thông tin thường xuyên và định kỳ, khi có những sự việc nóng, phức tạp, nhạy cảm được người dân quan tâm, Trung tâm Báo chí phải kết nối với cơ quan chức năng nhanh chóng để thông tin đến các cơ quan báo chí chính xác, kịp thời. "Hoạt động của Trung tâm Báo chí TP.HCM tốt thì hoạt động báo chí của Thành phố sẽ tốt theo", ông Phong khẳng định.
Ông Mai Ngọc Phước - Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM đề xuất, trong thời gian tới, Trung tâm Báo chí tiếp tục tổ chức các buổi chia sẻ, lớp bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên liên quan đến các chủ đề thực tế; Hỗ trợ các toà soạn trong công tác phản bác các thông tin xấu độc...