4 yếu tố giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

KHỞI VŨ| 14/12/2018 06:31

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang là nước sở hữu nhiều lợi thế nhất so với các quốc gia châu Á trong cuộc đua thu hút doanh nghiệp nước ngoài tìm nơi sản xuất mới.

4 yếu tố giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Theo Ngân hàng đầu tư Natixis, Việt Nam hiện đứng thứ nhất trong số 7 quốc gia có nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á, với tư cách là điểm đến thu hút của doanh nghiệp chế biến - sản xuất. Nhận định của Natixis được xem xét dựa trên yếu tố nhân khẩu học, lương nhân công, giá điện, xếp hạng về môi trường kinh doanh và logistics, cũng như tỷ trọng vốn thuộc ngành chế biến - sản xuất trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hãng tin Bloombergdẫn lời chuyên gia kinh tế cấp cao Trinh Nguyen tại Natixis Hong Kong như sau: “Việt Nam đã sẵn sàng để chiếm lấy thị phần của Trung Quốc trong các ngành nghề sản xuất thâm dụng lao động. Rõ ràng, đây là quốc gia hưởng lợi từ chiến tranh thương mại”.

Có thể nói, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc gia trong sản xuất và xuất khẩu. Kim ngạch thương mại của Việt Nam hiện lớn gấp khoảng 2 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á, trừ Singapore. Và, dưới đây là 4 yếu tố giúp Việt Nam trở thành là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại.

1. Chi phí rẻ

Công nhân ngành sản xuất tại Việt Nam có mức lương trung bình 216 USD/tháng, ít hơn một nửa so với vị trí tương đương ở Trung Quốc. Nhờ trợ cấp chính phủ, giá điện Việt Nam cũng rẻ hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ 7 cent/kWh, so với 10 cents tại Indonesia và 19 cents ở Philippines, theo báo cáo hồi tháng 6 của GlobalPetrolPrices.com

Mức lương hàng tháng của công nhân sản xuất tại Việt Nam nằm ở mức thấp nhất trong khu vực, dựa theo số liệu và tỷ giá với đồng USD vào năm 2017. Nguồn: Japan External Trade Organization

Mức lương hàng tháng của công nhân sản xuất tại Việt Nam nằm ở mức thấp nhất trong khu vực, dựa theo số liệu và tỷ giá với đồng USD vào năm 2017. Nguồn: Japan External Trade Organization

Còn theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số các quốc gia sở hữu lực lượng lao động lớn nhất Đông Nam Á, với 57,5 triệu người. Nếu so với Malaysia, con số này gấp 3,7 lần và gấp 1,2 lần so với Philippines, với số lao động lần lượt là 15,4 triệu và 44,6 triệu.

2. Các hiệp định kinh tế và đầu tư

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hoàn thành ký kết các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và châu Âu, cũng như là một trong 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, vào tháng 6/2018, một thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu  đã được hoàn tất, và nếu được thông qua, nó sẽ giúp gỡ bỏ gần như toàn bộ thuế quan. Tại khu vực Đông Nam Á, mới chỉ có Singapore đạt được thỏa thuận tương tự.

Thêm vào đó, Việt Nam đang xem xét tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua dự luật chứng khoán cho phép nâng trần sở hữu đối với nhà đầu tư ngoại trong các công ty đại chúng lên 100%, trừ một số lĩnh vực bị hạn chế như ngân hàng và viễn thông. Ngoài ra, dòng vốn FDI trong năm nay cũng tăng mạnh, kỳ vọng đạt mức kỷ lục 18 tỷ USD khi giải ngân.

Link bài viết

3. Vị trí địa lý

Một trong những điểm làm gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài nằm ở việc sở hữu chung đường biên giới với Trung Quốc, điều mà những quốc gia như Indonesia, Philippines và Malaysia không thể nào có được. Các công ty Trung Quốc cần nguồn nguyên vật liệu thô hoặc linh kiện sản phẩm từ Mỹ có thể dễ dàng tìm mua chúng thông qua Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam lại là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, khi mà cả hai nước ngày càng đóng vai trò trung tâm trong chuỗi sản xuất của nhau.

4. Sự ổn định

Tự hào là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam sở hữu tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 7% trong năm nay. Bên cạnh đó, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực như Rupee của Ấn Độ hay Rupiah của Indonesia - vốn là 2 đồng tiền đã trải qua những đợt rớt giá mạnh từ đầu năm, tỷ giá tiền đồng của Việt Nam tương đối ổn định trong năm 2018.

“Tăng trưởng kinh tế mạnh và sự ổn định về mặt chính trị là những yếu tố hết sức quan trọng với nhà đầu tư”, ông Tony Foster - đối tác quản lý của Freshfields Bruckhaus Deringer LLP - công ty luật quốc tế có trụ sở tại Hà Nội, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 yếu tố giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO