Về tác động bên ngoài, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề, như căng thẳng Nga - phương Tây, gây tác động đến giá năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc FED tiếp tục tăng lãi suất ít nhất đến hết năm sau để kéo lạm phát mục tiêu xuống 2 - 2,5% sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ của các nước và đưa thế giới vào giai đoạn tiền đắt, tức chi phí lãi vay tăng và doanh nghiệp (DN) phải tính toán lại các dự án đầu tư cho phù hợp với mặt bằng lãi suất mới.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chưa thực sự mở cửa nền kinh tế và duy trì chính sách Zero Covid cũng gây tác động không nhỏ cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khiến tác động này không hề nhỏ với nền kinh tế trong nước, nhất là sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Về tình hình trong nước, thị trường chứng khoán ở cả cổ phiếu lẫn trái phiếu đều bộc lộ nhiều hạn chế và cần tái cấu trúc trong thời gian tới - điều sẽ gây khó khăn cho DN trong tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn. Song song đó, sự chao đảo của cổ phiếu và trái phiếu cũng làm mất niềm tin của nhà đầu tư bởi các vụ lừa đảo, gian lận trong thời gian qua.
Ngoài ra, chính sách thắt chặt tín dụng bởi tác động từ các yếu tố bên ngoài và để kiềm chế lạm phát cũng làm DN rất khó huy động vốn từ kênh ngân hàng, vốn là kênh huy động chủ yếu của DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế.
Tưởng chừng sau 2 năm đại dịch, DN Việt sẽ có cơ hội để phục hồi nhưng sự kiện bất ngờ là chiến sự Nga - Ukraine kéo dài đã làm đảo lộn tình hình kinh tế toàn cầu và tiếp tục gây khó khăn cho DN trong giai đoạn sắp tới.
Trước các khó khăn trên, Chính phủ cần những gói hỗ trợ DN và các gói hỗ trợ này nên cụ thể về mặt chính sách lẫn thủ tục, tránh việc "trên bảo dưới không nghe", dẫn đến hệ quả đưa ra gói hỗ trợ nhưng thời gian giải ngân và tỷ lệ giải ngân rất thấp, khiến việc ban hành, thực hiện chính sách không hiệu quả.
Đơn cử, các gói hỗ trợ lãi suất thời gian qua có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 1%), với lý do là các ngân hàng không "mặn mà" thực thi các gói này. Về căn bản, ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận, nên điều không mang lại lợi nhuận mà còn phát sinh chi phí kèm rủi ro thì đương nhiên họ không muốn làm. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần các quy định cụ thể hơn để bảo đảm gói hỗ trợ được thực thi kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, trước áp lực về nhập khẩu lạm phát trên thế giới thời gian tới, Chính phủ nên xem xét giảm một số loại thuế nhập khẩu, đặc biệt là thuế áp trên mặt hàng thiết yếu hoặc nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Điều này không những góp phần hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN mà còn góp phần kiểm soát giá cả đầu ra trong nước và hỗ trợ xuất khẩu.
Về phía DN, không nên chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ mà phải chủ động đối phó với tình hình mới.
Thứ nhất, DN cần rà soát hoạt động kinh doanh và toàn bộ dự án đầu tư, tính toán lại tính khả thi cho từng dự án trong tình hình mới về thị trường, về chi phí đầu vào, chi phí lãi vay tăng cao. Chỉ dự án nào thỏa điều kiện có thể sinh lời trước các yếu tố trên mới tiếp tục triển khai, còn lại nên tạm ngừng và chờ cơ hội tốt hơn.
Thứ hai, DN cần đa dạng hóa nguồn thu nhập và thị trường tiêu thụ để góp phần hạn chế rủi ro. Việc tìm các thị trường mới tiềm năng cũng góp phần làm tăng nguồn thu cho DN. Đặc biệt, trong bối cảnh cả thế giới khan hiếm hàng hóa do tác động của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, DN nào vẫn chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước và xuất khẩu được sẽ sở hữu cơ hội tốt để bứt phá trong nghịch cảnh. Như câu "thời thế tạo anh hùng", nếu chủ DN chèo lái con thuyền tốt trong bối cảnh khó khăn hiện tại thì phần thưởng sẽ rất lớn.
Thứ ba, DN cần đưa ra kịch bản và phương án đối phó với các kịch bản, nhất là kịch bản xấu, để tránh việc rơi vào thế bị động trong việc ứng phó lẫn xử lý khủng hoảng.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện tại, việc điều hành DN không hề dễ trước quá nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng, nếu DN có chiến lược ứng phó phù hợp thì đây lại là cơ hội rất tốt để DN bứt phá, chiếm lĩnh thị phần trong và ngoài nước, từ đó có thể tăng trưởng bền vững trong tương lai.
(*) Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM