1.
Ngay khi đất nước đổi mới nền kinh tế (từ Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12/1986), những doanh nhân TP.HCM “đời đầu” kể từ lúc ấy, dù biết nhiều chính sách của Nhà nước chưa nhất quán, lúc mở lúc đóng, chưa rõ lĩnh vực nào được kinh doanh hoặc không, vẫn âm thầm thành lập công ty. Từ thực tiễn kinh doanh, các anh chị doanh nhân đã góp phần quan trọng vào việc hình thành hai bộ luật đầu tiên là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (được Quốc hội Khóa VIII thông qua cùng ngày 21/12/1990).
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và Tổng biên tập Doanh Nhân Sài Gòn Nguyễn Thanh Minh tại Lễ hội tôn vinh Doanh nhân năm 2009 |
Khi nền kinh tế nước nhà dần mở cửa ra thế giới, một số anh chị doanh nhân không liệu được sức mình đã kinh doanh vượt tầm, dẫn đến thua lỗ, một số anh chị doanh nhân ngành ngân hàng lợi dụng cơ chế không rõ ràng đã “lập sân sau” để rồi bị thất thoát số tiền không nhỏ, có người phải đưa tay vào còng số 8.
Đặc biệt, có không ít vụ án kinh tế đáng lý xử theo luật dân sự lại bị chuyển thành án hình sự. Dẫu vậy, hầu hết anh chị doanh nhân đều hiểu rõ trọng trách của mình nên đủ thương đức, thương tài để phát triển sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng, chỉ trong 30 năm, đã tạo nên đội ngũ doanh nhân trên nửa triệu, mà nói theo từ ngữ quân sự là “lực lượng chủ lực tinh nhuệ” xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều anh chị doanh nhân còn cho rằng, suốt nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam có chưa đến một chục doanh nhân có tên tuổi, nhưng cũng như bao người dân Việt, họ rất yêu nước và đua tranh sòng phẳng với giới chủ tư bản Pháp, tiêu biểu là doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932). Mặc dù học tập kỹ thuật của phương Tây nhưng ông luôn thể hiện tinh thần dân tộc trong kinh doanh. Ông đặt tên những con tàu viễn dương mua lại từ đối thủ nước ngoài bằng tên Việt như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Ông quan tâm đặc biệt đến đời sống của giới thợ thuyền bằng chế độ an sinh thấu đáo, ông trợ cấp cho học sinh nghèo có chí du học, ông giáo dục con cái làm việc chăm chỉ và quý trọng người nghèo khó.
Bạch Thái Bưởi đã được lớp doanh nhân sau này noi theo bởi sự nghiêm túc trên thương trường về thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa. Ông đã lấp đầy 10 khiếm khuyết cơ bản của doanh nhân Việt Nam thời đó mà chí sĩ, doanh nhân Lương Văn Can (1854-1927) đã chỉ ra.
Một số anh chị biết nhiều về lớp doanh nhân miền Nam thời kỳ 1954-1975 đã giúp tôi hiểu sự thành công của Trương Văn Bền (Xà bông Cô Ba), Dương Tài Thu (Giấy Cogido), Chu Vinh Cơ (Gia vị Việt Ấn - Vianco), Trương Hy (Việt Nam Bánh kẹo Công ty - Vinabico), Huỳnh Văn Sinh (Kem đánh răng Perlon), Huỳnh Đạo Nghĩa (Kem đánh răng Hynos), Nguyễn Tấn Đời (Ngân hàng Tín Nghĩa), Nguyễn Thị Nữ (Gạch bông Đức Tân)... đều tự thân làm nên thương hiệu.
Họ là tấm gương đối với những doanh nhân bây giờ như Phạm Phú Ngọc Trai (IBC/Pepsi), Trần Mộng Hùng (Ngân hàng ACB), Nguyễn Thị Mai Thanh (Cơ điện lạnh REE - REE Corp), Cao Thị Ngọc Dung (Vàng Bạc - Đá quý Phú Nhuận - PNJ), Mai Kiều Liên (Vinamilk), Đặng Văn Thành (Sacombank và bây giờ là Tập đoàn Thành Thành Công), Lê Viết Hải (Xây dựng Hòa Bình), Nguyễn Thị Huân (Trứng sạch Ba Huân)...
Như vậy, từ nội lực khi mới hình thành, chỉ cần gặp được chính sách đúng đắn của Nhà nước về phát triển kinh tế là đội ngũ doanh nhân phát triển vượt bậc. Vì thế mà ngày nay có rất nhiều thương hiệu vươn ra thị trường thế giới như Vinamilk, FPT, Viettel, TH Truemilk, Vinamit, Thaco...
2.
Có thể nhiều bạn đọc mới biết “dịp 13 tháng 10” là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng 17 năm trước, đội ngũ doanh nhân và lực lượng doanh nghiệp đã bắt đầu được xã hội Việt Nam tôn vinh. Tìm trên Google, thế giới không nước nào có một ngày chỉ dành cho doanh nhân, trong khi hằng năm có rất nhiều ngày tôn vinh hay truyền thống khác. Tôi luôn tự hào vì Doanh Nhân Sài Gòn - tờ báo tôi làm việc ngoài biên chế suốt 20 năm qua - chính là nơi đề xuất lấy ngày 13 tháng 10, là ngày mà năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương, biểu dương và nhấn mạnh vai trò to lớn của công thương gia trong công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc - làm Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua.
Đại biểu tham dự Lễ hội tôn vinh Doanh nhân và trao danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2008 |
Xin kể đôi nét về sự ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam
Sau ba năm rưỡi xuất bản ổn định Doanh Nhân Sài Gòn và Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần, đầu tháng 4/2004, Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền họp với những cán bộ chủ chốt của Báo nêu ra ý tưởng chọn một ngày để tôn vinh những người kinh doanh giỏi và vì cộng đồng. Để “rộng đường dư luận”, bắt đầu từ số báo 38 ra ngày 14/4/2004, Doanh Nhân Sài Gòn đăng đề xuất ấy cùng với rất nhiều ý kiến đồng tình của các tầng lớp nhân dân và giới chủ doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngày 7/5/2004, Doanh Nhân Sài Gòn nhận được bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó Đại tướng viết “Doanh nhân - người đứng đầu và là “nhạc trưởng” doanh nghiệp phải có ý chí vươn lên theo tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến”, và “Để phát huy truyền thống doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tự cường, thông minh, sáng tạo, tinh thần nhân ái, thương dân, nên có Ngày Doanh nhân Việt Nam và Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam làm ngày truyền thống hằng năm, trao cho những doanh nhân tiêu biểu không chỉ giỏi sản xuất, kinh doanh, làm giàu mà còn đóng góp tích cực vào cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”.
Sau đó, Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn gửi văn bản đề nghị lên lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để cơ quan chủ quản xem xét, ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và được Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định công nhận (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 19/9/2004).
Trang bìa số 64 ra ngày 13/10/2004, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã đăng mẫu thiệp chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (Businessman’s Day) đầu tiên với dòng chữ “Kính chúc toàn thể doanh giới và quý quyến Buôn may bán đắt, Phúc lộc tràn trề, Hanh thông thương trường, Rỡ ràng thương hiệu”.
Ngày 13/10/2021 tròn 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi - những người làm Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) và những doanh nhân thế hệ đầu tiên kể từ khi đất nước bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường không khỏi bồi hồi nhớ lại Lễ hội tôn vinh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu (cũng từ đề xuất của Báo Doanh Nhân Sài Gòn) lần đầu tổ chức vào đêm 13/10/2005. Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu là danh hiệu do Chủ tịch UBND TP.HCM công nhận để tôn vinh những doanh nhân kinh doanh giỏi, có đạo đức, đúng pháp luật và có trách nhiệm với xã hội, với môi trường.
Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng được xã hội ghi nhận và đang trở thành động lực quan trọng xây dựng nền kinh tế đất nước. Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn mà mươi năm trở lại đây, các tỉnh, thành trong cả nước đều lấy ngày 13 tháng 10 để hướng về doanh nhân, động viên doanh giới làm ra ngày càng nhiều của cải cho mình và cho đất nước.
Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm còn là ngày kết nối các thế hệ doanh nhân, kết nối doanh nghiệp để mở rộng tình thân ái, mở rộng thị trường...