Trái phiếu doanh nghiệp: Bức tranh gam màu xám
Năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều sóng gió. "Cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khiến thị trường này gia tăng rủi ro. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức báo động khi phát hành nhưng không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán. Những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, kéo theo cả ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đều bị vạ lây, thậm chí phá sản.
VinFast xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện sang Mỹ và nộp hồ sơ IPO tại Mỹ
Tháng 11/2022, VinFast xuất khẩu lô 999 chiếc ô tô điện sang Mỹ. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất chính thức xuất khẩu ra thế giới. Trước đó, VinFast Trading & Investment - công ty con của Vingroup đặt trụ sở tại Singapore nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lao dốc
Các đợt "sốt đất" âm ỉ cuối năm 2021 dần lan rộng vào đầu năm 2022 diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp bất động sản lệ thuộc dòng vốn vay ngân hàng không thể xoay xở được dòng tiền khi bị siết tín dụng, tăng lãi suất và tắc thanh khoản. Đặc biệt, các vụ việc liên quan Vạn Thịnh Phát và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã khiến thị trường và doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế "dậm chân tại chỗ” hoặc lao dốc.
Doanh nghiệp xăng dầu: Vốn âm, lỗ hàng tỷ đồng
Người dân chen nhau xếp hàng nhiều giờ liền để được đổ xăng, hàng loạt cây xăng bán cầm chừng, treo bảng "hết hàng"... đó là những hình ảnh lần đầu tiên mà có lẽ chưa từng xuất hiện trước đây. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều đã diễn ra tại một vài địa phương.
Nhiều lý do được đưa ra để biện giải cho vấn đề này nhưng vấn đề nổi cộm là nguồn hàng không còn dồi dào, giá đầu vào tăng cao, ngân hàng siết tín dụng nên các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không tiếp cận được nguồn vốn, chiết khấu giảm khiến các doanh nghiệp bán xăng dầu không muốn tiếp tục kinh doanh. Thậm chí có thời điểm xảy ra tình trạng chiết khấu âm.
Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)
Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2022-2027 của HUBA đã tổ chức thành công. Trong nhiệm kỳ mới, HUBA sẽ thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại hội cũng đề ra 3 mục tiêu chung là đổi mới mạnh mẽ, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện. HUBA và các tổ chức hội, câu lạc bộ thành viên sẽ làm cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với doanh nghiệp; đề xuất, hiến kế với lãnh đạo thành phố, Trung ương điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hành lang pháp lý thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp.
Lần đầu tiên, đoàn doanh nhân TP.HCM đi dâng hoa và thắp hương cố Thủ tướng Phan Văn Khải và Việt Nam có Thư viện số Doanh nhân
Nằm trong chuỗi hoạt động "Gặp gỡ tháng 10" nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và chương trình "Về nguồn" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, đoàn doanh nhân TP.HCM và một số doanh nhân các tỉnh, thành đã đến dâng hương tri ân cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà tưởng niệm (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi). Thủ tướng Phan Văn Khải là người ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ban hành ngày 20/9/2004 lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ngoài ra, Thư viện số Doanh nhân cũng được Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn công bố ra mắt. Đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn, cộng đồng và giá trị tri thức, giúp lưu giữ lại thông tin, tri thức và kinh nghiệm quý báu của cộng đồng doanh nhân Việt Nam cho muôn đời sau.
Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp vướng lao lý
Hàng loạt doanh nhân bị pháp luật "sờ gáy", khởi tố liên quan đến hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán, liên quan đến đấu thầu thiết bị y tế... như bà Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), ông Trịnh Văn Quyết (FLC Group), ông Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Công ty AIC)... Những vụ vi phạm của các doanh nhân đã gây tổn thất và hệ lụy cho nền kinh tế.
Doanh nhân ứng xử không văn hóa gây bất bình dư luận
Cuối năm 2022, vụ việc Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đất Quảng đánh nữ nhân viên sân golf gây bức xúc lớn trong dư luận. Hầu hết không ủng hộ cách hành xử của doanh nhân này với tư cách một người chơi golf lẫn tư cách một đại biểu HĐND và là chủ tịch một tập đoàn lớn, không chỉ làm xấu hình ảnh cá nhân mà ảnh hưởng đến hình ảnh giới doanh nhân.
Doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập tăng
Năm 2022, cả nước ghi nhận có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, 59,8 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập thị trường sau quãng thời gian ngừng hoạt động do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tăng 38,8% so với năm 2021. Tổng số doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.
Khẳng định vị thế doanh nhân Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ
Năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã đánh dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ từ gia công công nghệ, phần mềm đơn thuần chuyển sang nghiên cứu, phát triển thành công những sản phẩm mang tính đột phá như Tập đoàn Viettel trong năm 2022 đã ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây (Viettel Cloud) bao gồm trung tâm dữ liệu, các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ cho đến công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị vận hành, được đánh giá là hệ sinh thái điện toán đám mây đa dạng nhất Việt Nam.
Cùng đó, FPT Semiconductor cũng nghiên cứu, phát triển và sản xuất thành công chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC) được thiết kế, hoàn thiện tại Việt Nam. Đây là bước đột phá lớn của ngành công nghệ Việt Nam, cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn và các thiết bị thông minh của Việt Nam sẽ phát triển mạnh, khi chip IoT đóng vai trò quyết định hiệu suất làm việc và cách các thiết bị điện tử vận hành. Đến hiện tại, chưa có nhiều quốc gia trên thế giới có thể sản xuất được loại chip này. Dự báo đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được sẽ có giá trị trên 6,16 tỷ USD.