Năm 2023: Để đạt 5 mục tiêu

Minh Quân| 11/01/2023 06:00

Trước thềm năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là một năm khó khăn đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam. Song tất cả chỉ tiêu đặt ra trong năm qua của ngành công thương đều đạt và vượt. Đây là nền tảng để thực hiện 5 mục tiêu lớn năm 2023.

Nhiều kết quả tích cực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù là năm khó khăn cho nền sản xuất của thế giới và cũng là năm tổng cầu thế giới giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại và xung đột Nga - Ukraine, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt 732,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư đạt 11,2 tỷ USD, vượt xa so với kế hoạch.

Thương mại trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 20%) vượt gấp 2,5 lần mục tiêu kế hoạch của ngành. Đặc biệt trong bối cảnh đứt gãy nhiều nguồn cung, cả nguồn cung về nguyên liệu cũng như nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhưng ở Việt Nam đều được đảm bảo.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đã được nối lại và đa dạng hóa. Ngành công nghiệp chế biến với mức tăng 8,1%, đóng góp gần 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế và đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.  

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch ước đạt 732,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,8 tỷ USD, tăng 10,6%, (vượt 2,6 điểm phần trăm so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao). Nhập khẩu ước đạt 360,7 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với giá trị gần 11,2 tỷ USD.

Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 20%) vượt gấp 2,5 lần mục tiêu kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao. 

Chia sẻ thêm với báo chí về vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại giai đoạn khó khăn khi tình hình cung ứng xăng dầu bị đứt gãy cục bộ vào tháng 10/2022. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định nếu không có vấn đề đáng tiếc liên quan tới xăng dầu cuối tháng 10, đầu tháng 11 ở một số địa phương thì thành quả của ngành công thương trong năm 2022 sẽ hoàn thành tốt đẹp hơn.

-3175-1673318777.jpg

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Cụ thể như sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp còn yếu.

Mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics chưa theo kịp nhu cầu phát triển, hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển. Liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa chặt chẽ. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm cạnh tranh... diễn biến phức tạp.

Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa cao. Công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính còn chậm đổi mới; công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023, ngành công thương đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp.

Thứ nhất, Bộ Công Thương đã cùng bộ ngành Trung ương tham mưu tích cực và được Trung ương thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI, Quốc hội khóa XIII). Theo đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì sớm tham mưu cho Chính phủ để xây dựng nghị quyết này. Về chương trình hành động, Bộ đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, bao gồm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng.

Thứ hai, khẩn trương rà soát lại những cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là phải thu thập, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu, tổng kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trước đây, chúng ta đặt ra mục tiêu tập trung xây dựng, đàm phán ký kết với các đối tác về các hiệp định thương mại tự do và thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại nghiêm túc những mục tiêu này. Bởi một mặt chúng ta mừng vì đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, song nhìn sâu vào kết quả này có thể thấy khoảng 74-75% giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đem lại. Mục tiêu của chúng ta khi thu hút đầu tư FDI là thu hút vốn để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, để có một quá trình chuyển giao về công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn lại 15 năm vừa qua, mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là chưa nhiều.

Do đó, mục tiêu cho năm 2023 của ngành công thương, Bộ Công Thương là phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp có thẩm quyền tổng kết lại chính sách hội nhập kinh tế quốc tế giống như tổng kết lại chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa qua. Từ đó, đưa ra những chính sách mới vừa đảm bảo thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI, nhưng không phải thu hút bằng mọi giá. "Đã đến lúc phải chọn những ngành, những lĩnh vực, những doanh nghiệp đạt trình độ về công nghệ. Tiến tới không chỉ đạt made in Vietnam và make in Vietnam", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường trong nước. Với thị trường 100 triệu dân thì đây là một thị trường rất lớn mà chúng ta phải quan tâm. Một mặt là phải đưa ra những cơ chế chính sách để phát triển thương mại trong nước, đồng thời phối hợp với các ban, bộ ngành đưa ra chế tài, chính sách phát triển thương mại điện tử. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 16,4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm thì năm 2023 sẽ đạt khoảng 16-17 tỷ USD. Đồng thời tiếp tục đàm phán để ký kết tiếp các hiệp định thương mại, đàm phán để mở rộng các ngành hàng và định hướng xuất khẩu chính ngạch.

Cuối cùng là nỗ lực cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà với người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục siết lại kỷ cương trong sản xuất, thương mại cũng như công tác tham mưu, đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2023: Để đạt 5 mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO