Theo Báo cáo Thương mại Điện tử (TMĐT) Việt Nam 2014 của Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương, hiện tổng số website cung cấp dịch vụ TMĐT đã được xác nhận đăng ký là 473.
Năm 2014, số website TMĐT đăng ký mới là 357, gấp hơn 3 lần so với năm 2013 (116 website), trong đó, sàn giao dịch TMĐT tăng đột biến với 283 website (năm 2013 là 90 website), website khuyến mại trực tuyến là 60 (năm 2013 là 13) và website đấu giá trực tuyến là 14 (năm 2013 là 13).
Báo cáo cho biết, tại Việt Nam, năm 2014, giá trị mua hàng trực tuyến của một người ước đạt 145 USD/năm, doanh số thu từ TMĐT B2C đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
Sản phẩm được lựa chọn tập trung vào các mặt hàng như đồ công nghệ và điện tử (60%); thời trang và mỹ phẩm (60%); đồ gia dụng (34%); sách và văn phòng phẩm (31%).
Hình thức thanh toán chủ yếu là tiền mặt với 64%, tuy nhiên đã giảm 10% so với năm 2013. Thanh toán qua ví điện tử tăng từ 8% năm 2013 lên 37% trong 2014. Trong khi đó, hình thức chuyển khoản qua ngân hảng lại giảm từ 41% năm 2013 xuống 14% năm 2014.
Theo Báo cáo, tổng doanh thu nhóm sàn giao dịch TMĐT tham gia khảo sát năm 2014 đạt 1.662 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013; trong đó 10 website dẫn đầu thị trường có doanh thu chiếm tới 75%. Đáng lưu ý, các sàn giao dịch TMĐT có vốn đầu tư nước ngoài chiếm số lượng nhỏ nhưng có tỷ lệ tương đối lớn trong tổng doanh thu, và có xu hướng tăng.
Cụ thể, năm 2014, nhóm này chiếm 59% tổng doanh thu, tăng 15% so với năm 2013 (44%). Nổi bật là lazada.vn với 36,1% tổng doanh thu trên sàn giao dịch TMĐT. Tiếp theo là sendo.vn với 14,4%; zalora.vn 7,2%; tiki.vn 5,4%; bay.vn 3,6%; vatgia.vn 3,3%; mizutiki.com 2,1%; mox.vn 1,5%; chodientu.vn 1,2%; rongbay.com 0,3%.
Lazada.vn cũng là sàn giao dịch TMĐT có giá trị giao dịch lớn nhất trong nhóm được khảo sát, với 21% trong 2.500 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch.