YouTube “hòa giải” căng thẳng với giới làm nhạc

Lam Nguyên| 12/04/2020 04:00

YouTube đã tạo ra một môi trường để các ngôi sao có thể tỏa sáng. Giờ đây, nền tảng sống nhờ quảng cáo này đang tích cực hướng tới dịch vụ âm nhạc tính phí, đồng thời chi nhiều tiền tác quyền hơn cho giới làm nhạc.

YouTube “hòa giải” căng thẳng với giới làm nhạc

Hơn 3 tỷ USD chi trả phí tác quyền

Hơn hai năm trước, Lyor Cohen - nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng tại Mỹ, từng làm lãnh đạo ở Warner Music Group - gia nhập YouTube. Nhiệm vụ của Cohen là xoay chuyển mối quan hệ vốn căng thẳng giữa YouTube và ngành công nghiệp âm nhạc vì YouTube trả tác quyền ít hơn các nền tảng âm nhạc trực tuyến khác.

Nguồn gốc của sự căng thẳng này bắt nguồn từ đạo luật DMCA (Digital Millennium Copyright Act - luật bảo vệ bản quyền tác giả của Mỹ) bảo vệ YouTube khỏi trách nhiệm pháp lý đối với việc vi phạm bản quyền các nội dung được người dùng tải lên, chỉ cần khi phát hiện thì YouTube đưa ra yêu cầu gỡ bỏ. Điều đó đồng nghĩa, người giữ bản quyền phải lựa chọn: một - cấp phép cho YouTube sử dụng nội dung, hoặc nội dung ấy xuất hiện trên YouTube, bị chương trình Content ID phát hiện và gắn cờ vi phạm. Trong các cuộc đàm phán tác quyền, YouTube luôn có nhiều lợi thế hơn các dịch vụ âm nhạc trực tuyến như Spotify và Apple Music. Stephen Cooper - CEO Warner Music Group ở thời điểm hiện tại cay đắng thốt lên: “Ngay cả khi YouTube không có tác quyền, âm nhạc của chúng tôi vẫn xuất hiện trên nền tảng của họ nhưng chúng tôi không hề thu được đồng nào”.

Trong hơn hai năm qua, Lyor Cohen nỗ lực đưa YouTube trở thành nền tảng quảng cáo tốt hơn, và khởi động gói dịch vụ trả tiền YouTube Music Premium - ra mắt vào tháng 5/2018. Trong năm 2019, dịch vụ này có 20 triệu thuê bao trả phí và 5 triệu người sử dụng bản dùng thử miễn phí - tăng 60% so với năm 2018. 

Tính đến nay, YouTube đã chi 12 tỷ USD phí tác quyền âm nhạc toàn cầu, gấp ba lần so với cuối năm 2016. Một số công ty thu âm cho biết YouTube có khả năng sẽ trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của họ vào năm 2025. Lyor Cohen phân tích: “Tôi nghĩ mọi người bắt đầu nhận ra YouTube rất nghiêm túc trong dịch vụ thuê bao. “Máy bay” YouTube có hai động cơ: một dành cho quảng cáo và một cho thuê bao”.

Link bài viết

Hướng đến thị trường cạnh tranh

Trước đây, Giám đốc điều hành của các công ty băng đĩa đều tin rằng YouTube chính là dịch vụ người tiêu dùng có thể sử dụng khi không đăng ký các nền tảng âm nhạc trực tuyến khác như Spotify, Apple Music - tức là chuyển từ gói đăng ký trả tiền sang gói miễn phí. Nhưng một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, một người có tài khoản Spotify hoặc Apple Music có thể cũng đang sử dụng YouTube... Các hãng thu âm ngày càng thoải mái hơn trong việc tiếp cận YouTube bởi họ kiếm được nhiều tiền hơn từ các công cụ và các chương trình khác nhau. Chẳng hạn, với tính năng Premieres (công chiếu) của YouTube, vào tháng 4/2019, ca sĩ Taylor Swift đã thiết lập một phòng chờ trên YouTube để người hâm mộ tham gia trò chuyện trong lúc chờ phát hành MV chính thức đĩa đơn ME!. Swiff thành công rực rỡ khi phá vỡ kỷ lục số lượt xem trong 24 giờ của các nghệ sĩ solo lẫn nữ nghệ sĩ. MV của cô đạt 65,2 triệu view, vượt qua Thank U, Next của Ariana Grande (55,4 triệu).

Đầu tháng 2/2020, Alphabet (công ty mẹ của Google) tiết lộ kết quả tài chính của YouTube từ doanh thu quảng cáo trong năm 2019 là 15,1 tỷ USD, gần gấp đôi doanh thu năm 2017 (8,15 tỷ USD). Với 2 tỷ người dùng đăng nhập hằng tháng và 20 triệu người đăng ký nhạc trả tiền trên toàn cầu, một số nguồn tin cho biết YouTube sẽ trả hơn 3 tỷ USD/năm tiền tác quyền. Năm 2019, Spotify trả cho các công ty âm nhạc 4,8 tỷ USD dù sở hữu lượng thuê bao trả tiền gấp 6 lần YouTube! David Israelite - Chủ tịch/CEO của Hiệp hội Xuất bản Âm nhạc Quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Đã có vài bước tích cực khi chủ sở hữu có thể trực tiếp quản lý nội dung và bản quyền, song tỷ lệ YouTube trả cho các nhạc sĩ vẫn còn quá thấp so với giá trị thật của ca khúc. Dù rằng số tiền YouTube bỏ ra cho âm nhạc ngày càng tăng, nhưng thật sự con số đó vẫn là rất nhỏ so với tổng doanh thu của nền tảng này”.

Đối với lĩnh vực phân phối, YouTube góp phần thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành âm nhạc. Ngoài Spotify, Apple Music hoặc Amazon, các hãng thu âm giờ đây có thêm YouTube để lựa chọn. Suy cho cùng, khi những căng thẳng về tài chính, bất đồng về bản quyền được giải quyết ổn thỏa, YouTube và giới âm nhạc có thể hỗ trợ lẫn nhau hướng đến thành công. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
YouTube “hòa giải” căng thẳng với giới làm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO