Trong công việc, xảy ra xung đột là điều khó tránh khỏi, đặc biệt tại những nơi có môi trường làm việc căng thẳng và chứa nhiều rủi ro như startup.
Theo một khảo sát của Harvard Business School, 65% số công ty startup tiềm năng gặp thất bại giữa chừng do xung đột giữa các nhà đồng sáng lập. Do đó, các cuộc xung đột nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Làm thế nào để xử lý tốt các cuộc xung đột, thậm chí tránh được những trận cãi vã đầy căng thẳng giữa bạn và người đồng sáng lập? Dưới đây là một số bí quyết được chia sẻ từ các nhà đồng sáng lập startup tại Đông Nam Á:
1. Kiểm soát cái tôi
Theo Quek Siu Rui - nhà đồng sáng lập Công ty Carousell cung cấp ứng dụng thương mại di động kết nối khách hàng với nhau (C2C) cho biết: "Chúng tôi luôn tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ. Luôn có một thỏa thuận chung giữa mọi người rằng sẽ không đem hiềm khích cá nhân hay cái tôi của mình vào trong cuộc họp".
Carousell được thành lập vào năm 2012 bởi 3 sinh viên thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, và startup này đã nhận vốn đầu tư từ nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng như: Golden Gate, Sequoia Capital, 500 startups...
"Chúng tôi không ngừng tự hỏi điều gì là tốt nhất đối với cộng đồng Carousell. Đó là nhân tố hàng đầu giúp chúng tôi kết nối với nhau và tập trung vào nhiệm vụ chung. Chúng tôi cũng luôn chào đón những phản hồi và ý tưởng đến từ mọi thành viên trong công ty", Quek Siu Rui cho biết.
Phương pháp này cũng được áp dụng tại startup công nghệ Xurpas được Raymond Racaza, Nix Nolledo và Fernado Garcia sáng lập vào năm 2001. Công ty này đã sớm phát triển và trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất tại Philippines.
Racaza cho biết: "Chúng tôi luôn áp dụng cách làm việc chuyên nghiệp như thế. Ở đây, mọi người đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng. Có thể một số công ty dùng nó cho mục đích cá nhân nhưng chúng tôi thì không như vậy. Mọi người đều hiểu rằng phải luôn hướng đến lợi ích chung. Tại đây, chúng tôi làm việc với nhau trên tinh thần đồng đội".
2. Phân chia nhiệm vụ rõ ràng
Việc công ty có những cá nhân có chung khuynh hướng, quan điểm là điều tuyệt vời, tuy nhiên, đôi khi chính những điểm tương đồng đó lại là nguyên nhân gây ra rắc rối.
Đơn cử, khi các nhà sáng lập cùng giỏi trong một lĩnh vực nào đó thì xung đột là điều dễ xảy ra trong việc ra quyết định xem ai là người đủ khả năng đảm trách phần công việc đó tốt nhất. Racaza chia sẻ, Công ty Xurpas của anh may mắn khi tránh được xung đột kiểu này.
"Vai trò trong công việc của chúng tôi không bao giờ chồng chéo nhau. Tôi đam mê việc xây dựng và phát triển sản phẩm, giới thiệu chúng với khách hàng. Nhiệm vụ của tôi là lãnh đạo các nhóm thực hiện mảng này. Trong khi đó, một người đồng sáng lập vốn là người nhìn xa trông rộng, có khả năng xác định vị thế của công ty trên thị trường và phát hiện những cơ hội mà công ty nên nắm lấy. Nhiệm vụ của anh ấy là đề ra tầm nhìn, định hướng phát triển lâu dài cho công ty. Và nhà đồng sáng lập thứ ba của chúng tôi là một kiến trúc sư, anh ấy hoàn toàn chuyên tâm vào mảng công nghệ. Sự kết hợp đó đã phát huy lợi thế của từng người và tạo ra sự bùng nổ giúp công ty tăng trưởng vượt bậc. Chúng tôi đã chứng minh điều đó trong suốt nhiều năm. Chúng tôi là đồng nghiệp của nhau kể từ ngày đầu tiên thành lập Carousell và cho đến giờ, chúng tôi vẫn gắn bó với nhau", Racaza cho biết.
3. Không đổ lỗi cho nhau
Ashwin Jeyapalasingam và Viren Doshi - nhà sáng lập của startup CatchThatBus cung cấp ứng dụng đặt vé xe buýt trực tuyến cho biết, thời gian đầu cả hai không hiểu ý nhau nhưng theo thời gian, họ đã biết cách làm việc với nhau và giải quyết các bất đồng.
Jeyapalasingam chia sẻ: "Tôi nghĩ đối với bất kỳ mối quan hệ công việc nào, dù ở góc độ cá nhân hay tập thể, điều quan trọng là khi đã ra quyết định có ảnh hưởng chung đến mọi người thì các bên liên quan phải chấp nhận với kết quả (hoặc hậu quả) sau đó, đừng quay sang đổ lỗi cho nhau".
Chia sẻ về một cuộc xung đột gần đây, Jeyapalasingam cho biết một đối thủ cạnh tranh của Công ty dùng chiêu giảm giá để thu hút khách hàng. Đã có những giải pháp được đề ra, trong đó bao gồm việc chấp nhận giảm giá theo để giữ chân khách hàng và giải pháp giữ nguyên giá bán, công ty chấp nhận mất đi phân khúc khách hàng này. Cuối cùng, mọi người thống nhất chọn cách mất khách hàng và cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn.
4. Lắng nghe ý kiến người ngoài cuộc
Vinnie Lauria - nhà đồng sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures cho biết: "Đôi khi, có những vấn đề mà bạn không thể chia sẻ với người đồng sáng lập và điều này sẽ gây ra chút khó khăn trong quá trình thuyết phục nhà đầu tư rót vốn. Do đó, điều tốt nhất mà bạn có thể làm là lắng nghe ý kiến từ những nhà đồng sáng lập khác. Chắc chắn họ cũng từng trải qua những căng thẳng giống vậy".
Riêng với Jeyapalasingam, ông luôn tin vào việc lắng nghe ý kiến từ một bên thứ ba. "Chúng tôi may mắn có một mạng lưới cố vấn sáng suốt, nhận được sự tín nhiệm của mọi người trong CatchThatBus. Đó có thể là chuyên gia đến từ những startup khác, từ ban cố vấn của công ty, hay thậm chí từ phía nhà đầu tư".
Dù vậy, điều quan trọng cơ bản vẫn tùy thuộc vào cách mà bạn diễn đạt vấn đề. Lauria chia sẻ: "Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng một số nhà sáng lập lại để cảm xúc và nỗi thất vọng lớn dần bên trong họ thay vì chọn cách mở lòng với mọi người. Về lâu dài, những cảm xúc tiêu cực này sẽ bộc phát tại thời điểm ra quyết định khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn".
Xung đột là điều không thể tránh khỏi nhưng nếu biết cách kiểm soát, chúng có thể giúp mối quan hệ hợp tác giữa bạn và những người đồng sáng lập khác trở nên gắn bó hơn.
>7 bí quyết đi đường dài với người đồng sáng lập
>Đồng sáng lập Orisoy: Khởi nghiệp phải chịu khó "đóng học phí"
>5 thói quen thành công của nhà đồng sáng lập Twitter