Xuất khẩu xuyên biên giới: Hàng Việt rộng cửa ra nước ngoài

Hồng Nga| 14/06/2023 01:00

Xuất khẩu xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử đang bùng nổ và là lĩnh vực đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương và quyết liệt phát triển kinh tế số.

Xuất khẩu xuyên biên giới: Hàng Việt rộng cửa ra nước ngoài

Rộng cửa ra nước ngoài

Theo công bố mới nhất của Access Partnership, năm 2022, giá trị xuất khẩu xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80.000 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). Nếu doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ toàn diện hơn, ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu, trong 5 năm tới, xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có thể đạt 300.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Tại Amazon.com, số lượng doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ, kim ngạch tăng 45%. Cũng trên nền tảng này, trong năm 2022, đã có gần 10 triệu sản phẩm "made in Vietnam" được bán ra toàn cầu, tập trung nhiều nhất ở các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, trang trí nhà cửa, đồ gia dụng…

Sàn thương mại điện tử Alibaba.com cũng ghi nhận sự tham gia của khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam với các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc...

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu xuyên biên giới, ông Huỳnh Kim Tước - đồng Chủ tịch Tiểu ban kinh tế số và công nghệ thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam thuộc top 20 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới, trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam thuộc top các nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng về mặt giao thương, xuất khẩu xuyên biên giới.

"Kinh doanh trực tiếp có nhiều khó khăn trong thời gian gần đây, xuất khẩu chậm lại nhưng riêng mảng thương mại điện tử thì rất sôi động khi Việt Nam đang trong top 5 về tăng trưởng xuất khẩu trong không gian mạng năm 2022", ông Huỳnh Kim Tước cho biết.

Chia sẻ tại một diễn đàn thương mại điện tử mới đây, bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm. Đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tin rằng, nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục mang đến cơ hội đáng kể cho họ trong xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp sẽ tận dụng thương mại điện tử để tiếp cận thêm các thị trường quốc tế, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU là các thị trường xuất khẩu trọng điểm trong vòng 5 năm tới. 

-6214-1686697807.jpg

Sản phẩm của doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài

Cẩn trọng vượt rào cản

Cơ hội là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách khai thác. Thông tin từ Bộ Công Thương, mặc dù thương mại điện tử tạo cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng thế giới, nhưng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số 200.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu.

Theo bà Lại Việt Anh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản là những quy định rất khắt khe của thị trường nhập khẩu sản phẩm, vấn đề phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh, rào cản chi phí, thông tin tiếp cận thị trường… 

Link bài viết

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu trực tuyến qua các nền tảng xuyên biên giới không phải là “cây đũa thần” đưa doanh nghiệp đến với thị trường quốc tế nhanh chóng nếu thiếu sự chủ động và chuyên nghiệp. Muốn thành công khi bán hàng trên sàn trực tuyến, rất nhiều điều mà doanh nghiệp cần chú ý. 

Trước tiên, phải kiên trì và nhẫn nại, cố gắng phát triển sản phẩm, tích lũy kinh nghiệm dần dần theo thời gian. Kế tiếp, cần tạo ra ưu thế trước những đối thủ, bởi tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế này khá gay gắt. Một trong những cách thức đơn giản và hiệu quả nhất mà doanh nghiệp có thể thực hiện là đầu tư cho hình ảnh và nội dung của sản phẩm. Bởi một mặt hàng có hình ảnh đẹp, được xây dựng nội dung hấp dẫn sẽ có sức thu hút đối với khách hàng, giúp doanh nghiệp chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu các phong tục tập quán, nét văn hóa mới mẻ của khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tùy theo từng khách hàng, doanh nghiệp cần phải ứng xử, tư vấn cho sao cho phù hợp với văn hóa của đất nước họ, tránh gây ra những hiểu nhầm khiến người mua hàng cảm thấy khó chịu, ác cảm. Bởi việc thấu hiểu và ứng xử phù hợp với phong tục, văn hóa của khách hàng sẽ khiến họ yêu thích nhà xuất khẩu hơn và trở thành một khách hàng lâu dài.

Vươn ra "biển lớn" đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có tầm nhìn quốc tế trong việc kết nối chuỗi cung ứng qua logistics, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, các quy định khắt khe của nước nhập khẩu… Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường nhập khẩu, tập trung vào những sản phẩm là lợi thế, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng phương thức quản trị tiên tiến đồng thời phải trang bị kỹ năng quảng bá sản phẩm.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xuyên biên giới, mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA) thuộc Bộ Công Thương đã phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới 2023 tại Hà Nội và TP.HCM. Chương trình giới thiệu cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khai thác tiềm năng từ nhu cầu thị trường toàn cầu bằng cách tận dụng xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chương trình cũng nhằm cung cấp cho các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam thông tin để có cái nhìn khách quan về xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử. Tại đây, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, chủ thương hiệu đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia Amazon cũng như nhà cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như quản lý tài khoản, logistics, đăng ký thương hiệu, thanh toán, quảng cáo, lựa chọn sản phẩm và đào tạo bán hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu xuyên biên giới: Hàng Việt rộng cửa ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO