Cần nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm

Hồng Nga| 24/05/2023 04:00

Chế biến lương thực, thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM nhưng bị giảm sút khá nhiều thời gian qua. Để phát triển ngành công nghiệp này, góp phần giúp đầu tàu kinh tế quay lại “đường ray”, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm

Áp lực lớn

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong 5 năm qua (2018-2022), ngành công nghiệp thực phẩm đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. TP.HCM đã xác định lương thực, thực phẩm là một trong 4 ngành trọng điểm, đóng góp gần 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố. Hiện thành phố có gần 2.900 doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, trong đó có 2.314 doanh nghiệp chế biến thực phẩm và 536 doanh nghiệp sản xuất chế biến đồ uống. Các doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số... đồng thời, gặp nhiều thách thức về phát triển thị trường và tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài...

Ngành lương thực, thực phẩm đang đối mặt với không ít các khó khăn trong việc phát triển. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào và phí dịch vụ logistics từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh. Áp lực của sụt giảm chi tiêu mua sắm do làn sóng lạm phát và mất việc tăng cao hiện nay. 

Ông Trần Văn Trường - CEO Công ty Hải sản Hoàng Gia cho biết, chưa có năm nào khó khăn như năm nay. Ngay cả thời điểm dịch cũng không khó như bây giờ. Hiện tại, doanh thu công ty đã giảm 30% so với năm trước và giảm 40% so với thời điểm trước dịch. Vì thế, các kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối đành phải gác lại. "Tình hình chưa thấy có dấu hiệu gì sáng hơn dù đã sắp hết quý II/2023. Đây là khó khăn chung từ thế giới đến trong nước, không biết khi nào kinh tế hồi phục và sức mua tăng trở lại", ông Trần Văn Trường chia sẻ.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cũng cho hay, biên lợi nhuận đang "cực kỳ thấp" do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào đều tăng. Với lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi. Vì vậy, một vài doanh nghiệp lớn có thương hiệu hàng chục năm trong ngành gần đây đã phải chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang đối mặt với những tác động suy giảm của kinh tế toàn cầu, chiến tranh khiến cầu đầu ra giảm trong khi chi phí đầu vào đều tăng lên do đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp đang đứng trước hai thách thức là thị trường bị thu hẹp và chi phí đầu vào tăng lên làm cho lợi nhuận bị thu hẹp. Tuy nhiên, ngành thực phẩm có sụt giảm nhưng không nhiều so với những ngành khác vì đây là mặt hàng thiết yếu. 

-3746-1684891231.jpg

Cần sự đồng bộ 

Theo các chuyên gia, càng ngày các nước càng nâng cao các yêu cầu và đặt ra rào cản kỹ thuật rất khắt khe. Đây là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Điều này là thực tế tất yếu khi Việt Nam chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa về cả thị trường, sản xuất, công nghệ sản xuất. Sự linh hoạt và thích ứng của các doanh nghiệp còn kém, do chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao còn thấp. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn thực phẩm, gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã ảnh hưởng không ít các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm hiện nay. 

Bà Lý Kim Chi cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, có rất nhiều nhiệm vụ và giải pháp mà TP.HCM cần triển khai đồng bộ. Trong đó, thành phố cần xác định nhóm các sản phẩm chủ lực để có chiến lược thúc đẩy phát triển phù hợp, dựa trên các ưu tiên cho các sản phẩm vừa có giá trị gia tăng cao, vừa sử dụng nguyên liệu nội địa và có tiềm năng xuất khẩu lớn. Từ đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến và phát triển thương hiệu giúp doanh nghiệp trở thành những doanh nghiệp đầu ngành, từng bước hình thành nên các thương hiệu tầm cỡ quốc tế đủ sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quản lý vùng nguyên liệu, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các địa phương đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường, các yêu cầu về quy mô, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả... Cơ sở dữ liệu chung giữa TP.HCM và các tỉnh sẽ giúp kết nối tốt hơn cung - cầu nguyên liệu đầu vào và hàng hóa thành phẩm, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá", "được giá mất mùa", "giải cứu"…

Với vị thế về địa lý thuận lợi, TP.HCM dễ dàng kết nối được với các vùng nguyên liệu và kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Điều này giúp TP.HCM có nhiều ưu thế trong các hoạt động giao thương và có nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào cho chế biến. Những yếu tố này cũng góp phần mở ra cho các doanh nghiệp thị trường rộng lớn cả trong và ngoài nước.

"Nhất thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Xúc tiến tổ chức và nghiên cứu xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài việc hỗ trợ kết nối, TP.HCM cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện về tiếp cận - phân tích - khai thác dữ liệu, đánh giá thị trường, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ AI vào tất cả hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức. Cập nhật thông tin và kiến thức cho doanh nghiệp về xu hướng tiêu dùng trên thế giới, các hiệp định thương mại mới cũng như các yêu cầu phát sinh của nước nhập khẩu, đặc biệt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm theo xu hướng mới nhất phù hợp thông lệ quốc tế, thúc đẩy hàng Việt cạnh tranh trên thị trường thế giới", bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc mở rộng thị trường mới, thị trường ngách, sản phẩm mới, sản phẩm ngách. Hiện nay, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, vì vậy doanh nghiệp phải nghiên cứu làm ra những sản phẩm tăng cường sức khỏe, bổ sung chất dinh dưỡng... Bởi khi cầu thu hẹp là số lượng thu hẹp nên phải tìm cách tăng chất lượng và đi vào những thị trường ngách, hướng vào phục vụ cho thị trường sức khỏe, sắc đẹp… và tập trung vào các thị trường Nam Mỹ, Trung Đông. Bên cạnh đó, phải kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách giảm thuế VAT, thuế trước bạ…

-3930-1684891231.jpg

Cũng theo ông Hòa, lương thực, thực phẩm chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ ngành nông nghiệp. Vì thế, phải làm sao nâng cao năng suất và chất lượng nông nghiệp, tạo liên kết giữa nhà sản xuất với người nông dân. Nhưng từng người nông dân không thể sản xuất lớn được, vì vậy phải có chính sách hỗ trợ hình thành các hợp tác xã, thành lập nông trại, liên kết những người nông dân đó lại thành nơi sản xuất nguồn nguyên liệu đạt chuẩn.

"Để ngành nông nghiệp phát triển cần có sự hỗ trợ và vai trò bà đỡ của Nhà nước. Không chỉ hỗ trợ bằng tiền mà còn bằng cơ chế chính sách. Phải khuyến khích thành lập các hợp tác xã nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp. Phải có những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng làm kinh tế xanh, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng hiện nay", ông Hòa đề xuất.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, để giúp ngành công nghiệp thực phẩm phát triển, trong năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu xanh để tạo đà tăng trưởng dài hạn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới. Sở Công Thương sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt thông qua diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023 diễn ra cuối tháng 5/2023, tập trung vào 7 nhóm ngành xuất khẩu của thành phố. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối với các địa phương để tạo nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp

"Tổng cầu giảm buộc chúng ta phải có những biện pháp trợ lực sản xuất và kích cầu tiêu dùng. Chúng tôi muốn đưa TP.HCM thành nơi mà những người hoạch định chính sách gặp nhau, nơi những nhà mua hàng lớn quốc tế thảo luận về khuynh hướng tiêu dùng ở các thị trường tiềm năng. Qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO