Khó... dây chuyền
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện 3% tác động không lớn đối với người dân và DN. Tuy nhiên, trên thực tế giá điện và xăng là giá đầu vào của hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Vì thế, khi giá điện tăng sẽ tác động đến lực cầu và có thể làm tăng lên lạm phát. DN sản xuất đang rất khó khăn trong bối cảnh nguyên nhiên vật liệu tăng, trong khi sức mua giảm nên giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến DN.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh cho rằng, tăng giá điện trong thời điểm này là không phù hợp vì DN đang vô cùng khó khăn. Với những DN sử dụng nhiều điện như ngành cơ khí, việc tăng giá điện 3% tác động lớn đến chi phí sản xuất.
Như chia sẻ của ông Tống, hiện mỗi tháng, DN của ông tiêu tốn hơn 200 triệu đồng tiền điện cho sản xuất, tức mỗi năm phải chi hơn 2,5 tỷ đồng tiền điện. Nhưng số tiền này sẽ còn đội lên không ít khi tới đây Duy Khanh vận hành thêm một dây chuyền sản xuất mà chi phí điện mỗi tháng lên đến gần 500 triệu đồng. Tính chung, với hai dây chuyền sản xuất, Duy Khanh phải mất khoảng 8,5 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Với giá điện mới, mỗi năm số tiền điện DN phải trả đội thêm lên vài trăm triệu đồng. Trong tình hình kinh tế hiện nay, có thêm bất cứ tác động nào làm tăng chi phí sản xuất sẽ đẩy DN vào cảnh khó khăn thêm.
Với ngành may mặc, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, đơn hàng gia công thời trang xuất khẩu tuột thảm hại từ quý III/2022 đến nay. Năm ngoái, Dony còn được "bù đắp" bởi áo quần đồng phục cho thị trường nội địa, nhưng năm nay không thấy ai đặt hàng. Giá điện tăng 3%, nếu tính ảnh hưởng trực tiếp thì không nhiều nhưng do tác động dây chuyền từ DN làm sợi, dệt, nhuộm, mỗi thứ tăng một ít cộng lại thành nhiều.
Cũng trong tình cảnh như thế, trứng gia cầm cũng "tuột dốc" từ năm ngoái đến nay. Theo ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thị trường tiêu thụ trứng gồm người tiêu dùng trực tiếp (chiếm 50-60%) và các DN bánh kẹo, các công ty làm suất ăn công nghiệp. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, DN cung cấp suất ăn công nghiệp và sản xuất bánh kẹo bị ảnh hưởng nặng nên nguồn hàng tiêu thụ qua kênh này giảm đến hơn 50%. "Một số đối tác lớn của chúng tôi trong ngành bánh kẹo trước đây sản xuất bánh khô lưu kho, nhưng nay ế quá đành phải phát cho công nhân ăn. Họ không sản xuất được nên chúng tôi cũng không bán được hàng. Giờ cứ nghe bất cứ chi phí nào tăng là DN rất mệt mỏi", ông Thiện chia sẻ.
"Gồng mình" giữ giá
Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset, việc tăng giá bán lẻ điện có thể gây ra ảnh hưởng không tích cực lên một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy... Ước tính chi phí điện chiếm 9-10% giá vốn hàng hóa với ngành sản xuất thép và hóa chất, chiếm 14-15% trên giá vốn ngành xi măng, chiếm 4-5% ngành giấy. Và chi phí điện tăng 3% có thể khiến lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%, ngành giấy giảm 2%, xi măng giảm 13%, hóa chất giảm 1%. Giá điện tăng sẽ làm giá vốn của các DN sản xuất tăng và làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh của DN.
Không chỉ vậy, theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, giá điện tăng còn gây áp lực lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Nếu giá điện tăng 8% sẽ làm GDP giảm 0,36%, lạm phát tăng 0,5% và nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45%, lạm phát tăng 0,61%.
Không có khách hàng, thậm chí lỗ lã nhưng nhiều DN cho biết không thể điều chỉnh giá bán mà đang tìm mọi cách để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Theo ông Đỗ Phước Tống, sắp tới Duy Khanh hạch toán theo giá điện cũ nhưng chi phí sản xuất phải tính theo giá điện mới. DN đành phải chấp nhận lỗ để giữ khách hàng chứ không còn cách nào khác.
Công ty Dony cũng đang "gồng mình" giữ giá, chấp nhận lời ít, thậm chí không lợi nhuận để giữ khách hàng. Ông Phạm Quang Anh cho biết: "Trong lúc lực cầu quá yếu, DN phải hạn chế đặt vấn đề điều chỉnh giá bán. Để giữ giá, thậm chí Dony không tính lợi nhuận, giữ kết nối với khách hàng và tìm mọi cách để tìm thêm khách hàng mới. Trước kia, khách hàng tìm đến với mình nhưng nay tôi phải tự đi tìm họ. Chuyến đi Mỹ sắp tới của tôi là để tìm kiếm những đối tác như vậy cho thời điểm cuối năm nay".
Chia sẻ vấn đề này, ông Trương Chí Thiện nói: "Sức mua quá yếu nên chi phí đầu vào có tăng thì DN cũng phải chịu đựng. Trước đây, có thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 50% nhưng DN ngành chăn nuôi gia cầm, kinh doanh trứng gia cầm không dám điều chỉnh giá bán thì nay giá điện tăng 3% lại càng không thể điều chỉnh. Giai đoạn này DN chắc chắn không có lợi nhuận. Giải pháp của Vĩnh Thành Đạt lúc này là cắt giảm chi phí đầu tư lâu dài như máy móc, thiết bị, chi phí marketing hay những chi phí chưa cấp bách lắm. Ngay cả nhân sự cũng không thể tuyển thêm. Biết là việc cắt giảm những chi phí ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của công ty nhưng đành phải chấp nhận".
Điện năng lượng mặt trời: Người đầu tư, kẻ từ bỏ Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì điện tăng giá, thì Công ty TNHH Thiên Phú hoạt động trong lĩnh vực gia công kính cường lực (nhà xưởng tại huyện Củ Chi) lại khá ung dung do có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Theo đại diện công ty này, cách đây chừng hai năm, công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trị giá 25 tỷ đồng để sử dụng trực tiếp cho sản xuất "giờ hành chính" và mức giảm tiền điện ghi nhận khoảng 25-30%. Vì thế, bây giờ tăng giá điện thêm 3%, công ty không ảnh hưởng vì phần chênh lệch đã có thể cân đối một cách chủ động. Vào giờ nghỉ trưa, khi nguồn điện năng lượng mặt trời không được sử dụng vào sản xuất, thì doanh nghiệp chủ động bán lại cho EVN qua hệ thống hòa điện lưới theo đúng quy định pháp luật dù "thực tế là chẳng thu lại bao nhiêu", đại diện Công ty Thiên Phú khẳng định. Trong khi đó, bà Kim Thương - chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết: "Ở giai đoạn thấp điểm về đơn hàng thì doanh nghiệp của tôi hằng tháng trả khoảng 150 triệu đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng trung bình 3% theo tạm tính thì chi phí sản xuất tăng lên cỡ 4,5 triệu đồng, như vậy chi phí tăng chỉ tính trong một tháng thì thấy không thấm tháp bao nhiêu, song nếu cứ kéo dài thì đây cũng là con số lớn, khoét sâu trực tiếp vào lợi nhuận. Bà Kim Thương cho biết, trước đây doanh nghiệp từng có ý định đầu tư hẳn hoi một hệ thống điện năng lượng mặt trời "quy mô” cho nhà máy để có thể tận dụng nguồn năng lượng xanh cho các khu vực công cộng, văn phòng của nhà xưởng trong trường hợp triển khai sản xuất vào ca chiều và tối, thậm chí "hòa lại" vào điện lưới, nhưng ở thời điểm cách đây 1-2 năm thì những khó khăn về thủ tục với EVN cũng như sự hạn chế về các doanh nghiệp có đủ uy tín tư vấn giải pháp này đã khiến doanh nghiệp này từ bỏ. Anh Khoa |