Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tiêu thụ xi măng trong 5 tháng đầu năm 2015 vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, mức tăng chỉ đạt 1% so với cùng kỳ, đạt 27,1 triệu tấn, còn thị trường xuất khẩu đã thấy rõ sự sụt giảm.
Trong khi đó, nhiều dự án xi măng công suất lớn tiếp tục được bổ sung gây nên sự lo lắng về nguồn cung.
Tiêu thụ nội địa tăng
Quý I/2015 kết thúc với nhiều lo lắng dành cho xi măng khi lượng tiêu thụ được đánh giá sụt giảm so với trước, tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng vẫn cán đích 27,1 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ.
Trong đó, tiêu thụ nội địa 5 tháng đạt 21,3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.
Tháng 5 được xem là khoảng thời gian khả quan trong tiêu thụ xi măng với mức 6,38 triệu tấn, bằng 98% so với tháng 4 và bằng 109% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản phẩm xi măng tiêu thụ tại thị trường trong nước ước đạt 5,28 triệu tấn, bằng 102% so với tháng và tăng 11% so với cùng kỳ.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa tăng cao bởi thị trường đã thực sự bước vào mùa xây dựng, hơn nữa thời tiết cũng thuận lợi cho xây dựng cùng với đà phục hồi chung của thị trường BĐS.
Điểm tối nhất trên thị trường xi măng là xuất khẩu. Theo đó, từ đầu năm 2015 đến nay, ngành xi măng đã chứng kiến sự đi xuống thấy rõ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xi măng, clinker 5 tháng qua đạt khoảng 5,8 triệu tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân được cho do thị trường xuất khẩu sang một số nước đang gặp khó khăn, nhất là tại Bangladesh - thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu xi măng lớn cũng đánh giá, hiện nay trong khu vực châu Á, Việt Nam có khá nhiều đối thủ lớn cạnh tranh quyết liệt. Đặc biệt là cuộc chiến được xem ra không cân sức từ xi măng Trung Quốc với giá thành rẻ hơn.
Thêm nhiều dự án khủng
Việc nhiều nhà máy xi măng công suất lớn liên tục được khởi công trong bối cảnh xuất khẩu xi măng đang gặp nhiều khó khăn khiến không ít người lo lắng.
Điển hình có thể kể đến Nhà máy Xi măng Xuân Thành, Hà Nam công suất 12.500 tấn clinker/ngày (tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm); dự án xi măng Thành Thắng với quy mô công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; dự án xi măng Sông Lam 1 có quy mô công suất 18.000 tấn clinker/ngày, tương đương 7,2 triệu tấn/năm…
Như vậy trong vòng vài năm tới, ngành xi măng có thể có thêm khoảng 10 triệu tấn xi măng mỗi năm, con số không phải là nhỏ trong bối cảnh thị trường xi măng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự ấm - lạnh trên thị trường BĐS.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực xi măng. Nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất.
Dự báo đến năm 2020, sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn xi măng/năm, về cơ bản đáp ứng đủ tiêu thụ trong nước và có một lượng nhất định để xuất khẩu.
Bình luận về việc một loạt nhà máy xi măng công suất lớn được khởi công, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng, cho rằng những dự án xi măng trên đều có trong quy hoạch bổ sung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là những dự án không phải cho thời điểm hiện nay mà là giai đoạn 2019-2020. Nếu không bổ sung Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu xi măng.
“Trước đó, các dự án yếu kém đã bị loại ra khỏi quy hoạch. Những dự án bổ sung đều đã có sự tính toán, cân đối rõ ràng, không có chuyện các dự án này sẽ làm loạn thị trường trong nước” - ông Tới nhận định.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực VLXD cũng đánh giá, việc xuất khẩu xi măng chỉ là bất đắc dĩ nhằm điều tiết thị trường trong giai đoạn có thể bị khủng hoảng thừa, rất khó trở thành một chiến lược phát triển bền vững, vì thiếu sức mạnh nội tại về vốn và công nghệ.
Chưa kể, bên cạnh một đối thủ quá lớn như Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước rất dễ lép vế, thậm chí bị chèn ép trong quá trình đàm phán đơn giá. Xi măng cũng không phải là mặt hàng phù hợp để vận chuyển đường dài.
Chính vì vậy, trọng tâm của xi măng Việt Nam vẫn là thị trường trong nước. Và để chiếm lĩnh được thị trường này cần một chiến lược lâu dài về giá thành cũng như tính toán lâu dài về lượng cung - cầu.
Đánh giá mới nhất của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương (VITIC) cũng cho thấy tiêu thụ xi măng nội địa sẽ ổn định trở lại trong thời gian tới, khi thị trường BĐS đang trên đà hồi phục với hàng loạt dự án được triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, để tránh tình cảnh phập phù, nóng lạnh thất thường, có lẽ xi măng cần nhiều hơn những tính toán để tự chủ, bớt sự phụ thuộc nhằm ổn định lâu dài.
>Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu xi măng