Xử lý nợ xấu là trọng tâm tái cơ cấu tổ chức tín dụng

KHÁNH PHƯƠNG| 01/08/2017 02:35

Đề án 1058 đặt ra 4 mục tiêu quan trọng, trong đó mục tiêu đầu tiên được đề cập là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém.

Xử lý nợ xấu là trọng tâm tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Ngày 19/7/2017, Thủ tướng đã ban hành quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 1058), theo đó xử lý nợ xấu là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn sắp tới. 

Đọc E-paper

Xử lý nợ xấu là mục tiêu trọng tâm

Nếu như Đề án 254 tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc giải quyết tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng, các trường hợp cấp tín dụng sai quy định như cho vay sân sau, nhận diện các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, xác định và phân loại được nợ xấu thực chất của toàn hệ thống tiệm cận theo chuẩn quốc tế và xử lý chủ yếu thông qua bán cho VAMC, thì Đề án 1058 vừa được ban hành xác định mục tiêu xử lý nợ xấu là quan trọng nhất đối với sự phát triển và ổn định của ngành ngân hàng.

Theo đó, Đề án 1058 đặt ra 4 mục tiêu quan trọng, trong đó mục tiêu đầu tiên được đề cập là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định một số chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới được kỳ vọng sẽ tiến triển tốt hơn, nhất là khi thị trường mua bán nợ xấu được thành lập và đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để xử lý nợ xấu.

Gần đây đã có một số tổ chức tài chính nước ngoài muốn mua lại các ngân hàng yếu kém đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua 0 đồng. Do đó, giải pháp xử lý các TCTD yếu kém hiện nay có thể sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%, tuy nhiên không bao gồm các ngân hàng yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý. Số liệu của NHNN cho thấy tỷ lệ nợ xấu toàn ngành quý I/2017 tuy chỉ ở mức 2,55%, tuy nhiên đây chỉ là nợ xấu nội bảng, còn phần lớn nợ xấu đã bán cho VAMC vẫn chưa được tính vào.

Một số giải pháp đáng chú ý khác được đề ra như cho phép tăng vốn điều lệ của VAMC lên 10.000 tỷ đồng từ nay đến 2020 để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá thị trường, cũng như cho phép VAMC được trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. VAMC có thể chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá thị trường, đồng thời có thể lựa chọn mua theo từng khoản nợ xấu hoặc mua theo lô để đẩy nhanh quá trình mua, bán và xử lý nợ xấu.

Các giải pháp xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ NHNN, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng đã được đề ra.

>>NHNN khuyến nghị các tổ chức tín dụng thực hiện Đạo luật FATCA

Nâng cao năng lực tài chính

Đề án 1058 đặt ra mục tiêu tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng. Việc xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao thúng, chi phí trong các TCTD có liên quan cũng tiếp tục được chú ý.

Mục tiêu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên và có ít nhất 1 đến 2 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.

Với mục tiêu trên, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng sẽ còn kéo dài đến năm 2020. Đáng chú ý đối với các ngân hàng thương mại do Nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ thì Chính phủ giao NHNN phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II vào năm 2020. Điều này cho thấy khả năng sắp tới các ngân hàng thương mại nhà nước có thể được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, thay vì phải chia cổ tức theo như yêu cầu từ Bộ Tài chính đã gây ra những tranh luận trong thời gian qua.

Các ngân hàng cũng được yêu cầu phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp hai lần tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập, hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn thu nhập từ tín dụng ngày càng khó khăn và rủi ro hơn đến từ nợ xấu, thì việc tăng nguồn thu nhập phi tín dụng là rất quan trọng.

Với định hướng giảm lãi suất cho vay theo lộ trình đến năm 2020 về 5% thì rõ ràng nguồn thu nhập của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do biên độ lãi suất có thể bị thu hẹp, do đó các ngân hàng buộc phải tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn thu nhập từ các hoạt động khác là điều tất yếu.

Hiện đã có hàng loạt ngân hàng sắp hoàn thành đăng ký niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang rất sôi động, thu hút thêm nhiều nguồn tiền mới, trong khi kết quả kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước đây.

Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì như là kênh thu hút vốn tốt nhất và hoạt động của các ngân hàng tiếp tục đạt kết quả khả quan với các giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, thì việc niêm yết lên sàn để thu hút thêm vốn là điều ngân hàng nào cũng muốn hoàn thành sớm.

>>Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý nợ xấu là trọng tâm tái cơ cấu tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO