Xu hướng xe điện của tương lai, bao giờ?

Lê Duy| 17/08/2021 08:09

Dù những con số dự báo đều tích cực, nhưng trên thực tế giá cả, khoảng cách di chuyển, mức độ tin cậy về pin lẫn sự an toàn của xe điện vẫn là mối lo của người tiêu dùng.

tr26-xe-1-2719-1628755425.jpg

Năm 2009, khi hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk công bố kế hoạch phát triển xe điện, nhiều người chỉ xem đó là quảng cáo của một startup tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Hơn 10 năm trôi qua, xe điện giờ được dự báo chắc chắn là xu hướng của tương lai, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, khi nhiều nước đã công bố mục tiêu ngừng hẳn việc kinh doanh xe sử dụng động cơ đốt trong vào thập niên tới.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quý I/2021, doanh số xe điện toàn cầu tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với nửa triệu chiếc được bán ra, theo sau là châu Âu, 450.000 chiếc. Tại Mỹ, số xe điện được tiêu thụ trong ba tháng đầu năm 2021 gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Hiện hơn 10 triệu xe điện đã lăn bánh trên thế giới và theo IEA, đến năm 2030 sẽ đạt 145 triệu chiếc.

Bloomberg New Energy Finance đầu năm nay dự báo, năm 2022 hoặc sớm hơn, xe điện sẽ rẻ bằng xe chạy xăng, giúp thị trường xe điện tăng mạnh hơn nữa. Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho rằng, xe điện sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021, tăng 66% và vượt 5 triệu chiếc, đến năm 2028 dự kiến đạt 30 triệu chiếc, trước khi chiếm 48% tổng lượng xe du lịch vào năm 2030. 

Dù những con số dự báo đều tích cực, nhưng trên thực tế giá cả, khoảng cách di chuyển, mức độ tin cậy về pin lẫn sự an toàn của xe điện vẫn là mối lo của người tiêu dùng. Theo một khảo sát tại Anh, lý do phổ biến nhất để người tiêu dùng không mua xe điện là thiếu trạm sạc nhanh (37%), tiếp đó là lo ngại về phạm vi di chuyển (35%) và chi phí (33%). Ở Mỹ, 2/3 số người được khảo sát đồng ý rằng xe điện tốt cho môi trường, nhưng quá đắt và 1/3 lo lắng về mức độ tin cậy. Còn tại Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nếu so với các nước trong khu vực, lượng xe điện tại Việt Nam còn rất khiêm tốn và phần lớn là xe hybrid (HEV) cùng xe hybrid sạc ngoài (PHEV). Theo Bộ Tài chính, trở ngại lớn nhất là về trạm sạc nên xe điện ở Việt Nam chưa phát triển.

Dưới đây là 4 nguyên nhân khiến xe điện dù đã “khởi động” nhưng đến giờ vẫn chưa thể “bứt phá”.

ĐẮT ĐỎ

Hiện nay, xe điện vẫn đắt hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Theo dữ liệu tổng hợp từ website Comparethemarket.com, một chiếc Nissan Leaf chạy điện hoàn toàn có giá 28.620 USD tại Tây Ban Nha, đắt hơn nhiều so với mức 17.255 USD của mẫu Nissan Micra chạy xăng cùng kích thước, đó là chưa kể chi phí tiêu hủy pin sau khi hết hạn sử dụng để bảo vệ mội trường.

Do đó, để giảm chi phí, được khuyến nghị là cho thuê pin thay vì tính luôn vào giá xe. Cụ thể, pin sẽ được cho thuê với giá từ 69-138 USD/tháng và sẽ được thay miễn phí khi hết tuổi thọ. Đồng thời, giới phân tích dự báo, chi phí pin Li-ion giảm sẽ giúp giá xe điện đi xuống trong thời gian tới. Trang Visual Capitalist cho rằng, đến năm 2023, chi phí của pin Li-ion giảm còn khoảng 100 USD/kWh, làm cho xe điện ngang giá xe chạy xăng.

tr26-xe-2-6219-1628755425.jpg

Tỷ lệ trạm sạc công cộng trên số lượng xe điện theo quốc gia vào năm 2020 - Ảnh: IEA

THIẾU TRẠM SẠC PIN  VÀ CƠ SƠ HẠ TẦNG

Dù các trạm sạc công cộng cho xe điện ngày càng tăng, gấp 7 lần trong 5 năm qua, nhưng theo IEA vẫn không đủ. IEA cho biết, tại châu Âu, hiện mới chỉ có Pháp, Ý, Hà Lan cung cấp đủ số lượng trạm sạc theo yêu cầu về cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế của Liên minh châu Âu. Ở các nơi khác, phần lớn sự phát triển trạm sạc công cộng là tại Trung Quốc, tăng 44% vào năm 2020, lên 310.000. Trạm sạc ở châu Âu vào cuối năm 2020 là 38.000, ở Mỹ chỉ có 17.000.

Trạm sạc cũng là một trong các vấn đề đang kìm hãm sự phát triển của xe điện ở Việt Nam. Ví dụ, một chiếc Tesla Model 3 từ TP.HCM đi Đà Lạt khoảng 300km thì gần hết điện, nếu trên đường không có trạm sạc nhanh, lái xe phải tiết kiệm tối đa, tức không sử dụng máy lạnh, giữ tốc độ ổn định, không vọt ga, phanh gấp; nếu kẹt xe, lại không thể tắt máy, nguy cơ không tới nơi là khá cao. Nếu dừng lại sạc pin tại một quán cà phê hay nhà hàng bằng bộ sạc mang theo, lại mất thời gian, kéo dài chuyến đi, nên ít người muốn chuyển sang sử dụng xe điện.

Đó là chưa kể đến các yếu tố khác, như hạ tầng giao thông phải đồng bộ, có bãi đậu xe tĩnh và quỹ đất để lập trạm sạc cũng như năng lực cấp điện. Ví dụ, một chiếc Porsche Taycan chạy điện có dung lượng pin khoảng 93kWh, thời gian nạp với bộ nạp cho nguồn AC 22kW là 5 tiếng đồng hồ, với bộ nạp nguồn DC 250kW khoảng 23 phút, vậy sẽ giải quyết bài toán cấp điện ra sao nếu khoảng 10.000 xe, 1 triệu, hay 10 triệu xe cùng nạp một lúc? Trong khi đó, không phải mọi xe điện đều có cổng cắm với tiêu chuẩn như nhau, nên việc thiết kế cổng sạc thay đổi theo mẫu xe, đáp ứng cho mọi nhu cầu cũng là thách thức không nhỏ. Theo Liên minh Pin Toàn cầu (Global Battery Alliance), đến năm 2040, thế giới sẽ cần khoảng 290 triệu trạm sạc nếu muốn chuyển sang sử dụng xe điện, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ USD.

THIẾU HỤT CHIP

Trên thế giới, tình trạng thiếu hụt chip đang kìm hãm việc cung cấp các loại xe, chứ không riêng gì xe điện. Trong quý I/2021, khoảng 1,4 triệu ô tô và xe tải nhe trên thế giới không thể được sản xuất do thiếu chip. Bên cạnh đó, phải kể đến vụ hỏa hoạn tại Renesas Electronics - một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất cho ngành ô tô, cùng tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung càng làm tình hình thêm trầm trọng. Và tình trạng thiếu hụt chip nhiều khả năng sẽ kéo dài hết năm 2021 và đến năm 2022 - yếu tố gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của tất cả loại xe.

CEO Elon Musk cho biết, quý I/2021 là một trong những giai đoạn mà Tesla gặp khó khăn nhất về nguồn cung chip. Trong khi đó, CFO Tesla Zach Kirkhorn nói công ty sẽ tiếp tục nỗ lực để vượt qua sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn và tắc nghẽn hàng hóa tại cảng biển. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xu hướng xe điện của tương lai, bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO