Chính phủ cần mở riêng một cổng thông tin, tập trung đăng các dự thảo văn bản pháp luật. Đó là khuyến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nếu có cổng thông tin này sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp (DN) đưa ra ý kiến.
* DN có quyền góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật. Vấn đề này được đặt ra từ lâu song thực hiện không được bao nhiêu. Theo ông, vì sao?
- Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được Quốc hội thông qua, minh bạch là một trong những yêu cầu bắt buộc. Đó là điều kiện để các hiệp hội, DN tham gia vào quá trình này thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, cũng có những đánh giá từ phía các cơ quan chức năng rằng các DN chưa tham gia tích cực, chủ động vào qua trình xây dựng văn bản pháp luật.
* Sự thiếu chủ động của DN, theo ông đến từ đâu?
- Từ hai phía. Hiện nay, khá nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa chú trọng đến việc này. Họ vẫn xem việc lấy ý kiến người dân và DN chưa phải trách nhiệm của họ, nên làm một cách hình thức.
Việc lấy ý kiến được làm một cách đối phó, tiến hành qua quýt, nên các văn bản luật chưa thực sự phản ánh tiếng nói của DN, của người dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật cũng chưa tạo thuận lợi cho việc người dân và DN góp ý kiến.
Sẽ là rất khó cho người dân và DN khi nhận một tập văn bản dự thảo nghị định dày cộp để góp ý kiến mà không có các thông tin liên quan đến vấn đề cần sửa đổi, nội dung sẽ sửa đổi...
Tới đây, khi lấy ý kiến các dự thảo văn bản chính sách, các cơ quan nhà nước cần đưa ra những đánh giá, tổng kết tóm tắt những chính sách trước đây, thậm chí đưa ra những vấn đề cần người dân và DN có ý kiến. Những văn bản pháp luật nên được diễn giải sao cho người dân bình thường hiểu được.
Một điểm nữa, các cơ quan soạn thảo nghị định, thông tư đều đưa dự thảo lên website, hoặc các kênh riêng. Điều này rất khó cho DN và người dân khi mỗi ngày, mỗi tuần phải truy cập hơn 20 website.
Về phía DN, tôi nghĩ có nhiều lý do khiến họ chưa chủ động, trong đó có lý do đa phần là DN vừa và nhỏ, mải mê với kinh doanh hằng ngày, chưa chú tâm đến thay đổi chính sách, dù những thay đổi ấy sẽ tác trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh.
DN chưa chủ động còn bởi vẫn cho việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Điều này chưa đúng.
Việc đưa ra một khung pháp luật phù hợp thực tiễn, phản hồi của DN rất quan trọng. Đây là hoạt động chung, nên trách nhiệm của DN rất lớn. Các DN nên chủ động hơn trong việc góp ý kiến xây dựng pháp luật.
* Đối tượng đề cập ở đây là DN, vậy vai trò của các hiệp hội như thế nào trong phản biện chính sách, thưa ông?
- Hiệp hội có vai trò trung tâm nhưng phải đại diện cho DN thành viên. Việc một số hiệp hội bị hành chính hóa hoặc chỉ đại diện cho một số ít DN đã khiến cho hoạt động không hiệu quả.
Góp ý xây dựng chính sách, từng DN phản ánh về lợi ích của mình là rất khó, tích hợp với hiệp hội sẽ chuyển tải tốt hơn tiếng nói của chính DN, nhưng vấn đề lại nằm ở năng lực thực hiện của hiệp hội.
* Cảm ơn ông!
>Người viết văn bản pháp luật đang "chơi chữ”
>Văn bản pháp luật lượng đã nhiều còn chất ...?
>Hội nghị triển khai lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp
>Từ 1/2: Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)